Một năm học vượt khó

Lam Nhi 05/09/2023 06:48

Năm học mới 2023-2024 chính thức bắt đầu. Ngành Giáo dục đối diện không ít khó khăn nhưng vẫn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT).

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội) trong ngày tựu trường.

Giải bài toán thiếu giáo viên

Năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. So với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người (cấp mầm non 7.887; tiểu học tăng 169; THCS 1.207, THPT 2.045). Bên cạnh nguyên nhân gia tăng số học sinh ở tất cả các cấp thì việc giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc cũng khiến cho tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn. Trong đó, riêng năm học 2022-2023 có 9.295 giáo viên nghỉ việc.

Đáng chú ý, trong số 27.850 chỉ tiêu giao cho năm học 2022-2023, sau 1 năm mới chỉ tuyển được hơn một nửa. Có những địa phương như Yên Bái, dù được giao 2.500 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 1/4 vì thiếu nguồn tuyển. Trong khi đó, tỉnh đang có khoảng 200 cử nhân cao đẳng sư phạm, đa số đi học theo kinh phí của tỉnh nhưng nay vướng quy định về tiêu chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 nên không thể tuyển dụng được.

Để tránh lãng phí, địa phương đề xuất tuyển dụng số cử nhân này và sau đó tỉnh sẽ tiếp tục chi ngân sách để đào tạo nâng chuẩn.

Tại TPHCM, để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục cần tuyển 4.717 giáo viên. Tuy nhiên, tính đến ngày 28/8, mới có 165 ứng viên trúng tuyển. Như vậy, khi học sinh đã trở lại trường, nhiều địa phương vẫn vừa tổ chức dạy học vừa thực hiện tuyển dụng. Nguyên nhân thiếu giáo viên theo báo cáo UBND TPHCM gửi Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT ngày 29/8 là do mức lương thấp, không cạnh tranh được với các cơ sở giáo dục quốc tế và ngoài công lập, nhất là lực lượng giáo viên dạy tiếng Anh. Giải pháp của TPHCM đó là Sở GDĐT đang xây dựng đề án để có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu đã được giao, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026 thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên. Vì vậy, các địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học còn thiếu. Đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Gỡ điểm nghẽn đào tạo theo đặt hàng

Lãng phí trong đào tạo, người học mỏi mòn chờ đợi được tuyển dụng trong khi nhà trường thiếu giáo viên là vòng luẩn quẩn mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra. GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhắc lại câu chuyện này và chỉ ra giải pháp về đặt hàng đào tạo đã có nhưng triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tế.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ (theo Nghị định 116) chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đến nay là 23/63 tỉnh, thành phố với số lượng rất khiêm tốn.

Đơn cử, năm 2021, Trường ĐH Cần Thơ nhận được đặt hàng đào tạo giáo viên của 2 tỉnh Long An và Vĩnh Long. Trong đó, Long An đặt hàng đào tạo 159 chỉ tiêu. Sau khi nhập học có 154 sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ của Long An, nhưng cuối cùng tỉnh này chỉ ký hợp đồng với 11 sinh viên có hộ khẩu ở địa phương này, không chấp nhận sinh viên có hộ khẩu tỉnh khác. Tỉnh Vĩnh Long đặt hàng 240 chỉ tiêu và đã có 203 sinh viên đăng ký. Nhưng cuối cùng Vĩnh Long lại không ký hợp đồng với bất kỳ sinh viên nào.

Vướng mắc đã được chỉ ra đó là sinh viên theo diện đặt hàng nhưng không về công tác tại địa phương, hay thi tuyển không đỗ công chức thì cũng rất khó khăn. Mới đây, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 116 do Bộ GDĐT đang trình có những thay đổi nhằm thuận lợi hơn trong triển khai. Đó là vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, tuy nhiên quy định không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương thì tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Theo GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, hiện nay chủ yếu là vướng mắc về kinh phí nên các địa phương không thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên. Dẫn đến dù có chỉ tiêu nhưng không có nguồn tuyển, thiếu giáo viên ở những môn học mới. Bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo, ông Bành cho rằng, cần có chính sách đường dài về kinh phí để đảm bảo các sinh viên sư phạm sẽ được chi trả kinh phí theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.

Lam Nhi