Minh bạch tiền trường

Thu Hương 06/09/2023 07:29

Trước thềm năm học mới, hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có quy định những khoản tiền nhà trường và đại diện ban phụ huynh không được phép thu. Nhưng trên thực tế một số trường vẫn đưa ra nhiều khoản thu, gây bức xúc trong phụ huynh. Thậm chí cả giáo viên cũng phiền lòng với việc lạm thu của nhà trường.

Ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh cả nước tưng bừng bước vào năm học mới. Ảnh: Quang Vinh.

Quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, các khoản thu mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học bao gồm: Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường…

Cần triệt để bỏ “phụ thu”

Rõ ràng là vậy nhưng nhiều năm qua tại rất nhiều trường học đã vi phạm những quy định này. Đơn cử, năm học 2022-2023, phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được đề nghị đóng tiền mua bàn ghế cho học sinh với số tiền 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, ngoài ra còn tiền mua rèm cửa, đóng quỹ cha mẹ học sinh. Nếu không đóng tiền mua bàn ghế, học sinh không có chỗ ngồi học là lưu ý của giáo viên chủ nhiệm khiến dư luận bức xúc.

Cũng đầu năm học 2022-2023, phụ huynh có con nhập học lớp 6 Trường THCS Núi Đối (Kiến Thụy, Hải Phòng) phải đóng 2 triệu đồng khi làm thủ tục nhập học nhưng không có phiếu thu cũng không được giải thích thu để làm gì. Hoặc một trường THPT ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đã quyên góp tiền xây... trạm biến áp, phục vụ việc cấp điện cho trường. Điều đáng nói, nhà trường đã tiến hành vận động xây dựng trạm biến áp khi chưa được sở phê duyệt và cách làm thì có xu thế "cào bằng" trái với nguyên tắc tự nguyện.

Những khoản tiền dù được trường thu công khai nhưng chi vào việc gì lại thì phụ huynh không được biết hoặc thu tiền phục vụ cho những mục đích chưa được các cơ quan quản lý thông qua là hành vi gây bức xúc bởi trong một tập thể lớp, một tập thể nhà trường, ở đâu cũng có những phụ huynh có điều kiện khá giả và những phụ huynh khó khăn hơn.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phụ huynh cần nắm rõ những khoản nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh được thu và không được thu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, mỗi đầu năm học mỗi gia đình học sinh đều phải đối mặt với nhiều khoản thu như học phí, mua đồng phục, sách tham khảo và các đồ dùng học tập khác… Làm sao để giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm là mong mỏi của tất cả các bậc phụ huynh, trong đó cần những giải pháp cụ thể, quyết liệt để tránh phụ thu, lạm thu từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), từ các địa phương.

Trường THCS thị trấn Bo (Kim Bôi, Hòa Bình) thực hiện nghiêm túc việc công khai các khoản thu, chi. Nguồn: Hoabinhonline.

Quy định các khoản thu cụ thể

Năm học 2023-2024, TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và quy định danh mục các khoản thu trong trường học. Theo đó, mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh theo địa bàn trường học với 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính. Bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

HĐND TPHCM quy định rõ các mức thu được quy định trong nghị quyết là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.

Bày tỏ sự ủng hộ với cách làm của TPHCM, thầy giáo Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) đề xuất Bộ GDĐT kết hợp với UBND tỉnh ra văn bản chỉ rõ khoản nào được thu và khoản nào không được thu; mức thu mỗi khoản tối đa là bao nhiêu cũng ghi rõ. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học trong các cơ sở GDĐT.

Hiện năm học này nhiều địa phương cũng đang thực hiện công khai các khoản thu đầu năm học như Bạc Liêu quy định rõ các khoản trường và ban đại diện cha mẹ học sinh được thu như khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn... Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm học 2023-2024, Sở GDĐT Cà Mau yêu cầu không được đặt ra những nội dung trái quy định nhằm gợi ý và ép buộc phụ huynh đóng góp các khoản thu ngoài quy định.

Theo TS Hoàng Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội), vào năm học mới 2023-2024, tất cả các phòng học của nhà trường đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại từ điều hòa, máy chiếu, tivi, quạt…, tạo điều kiện học tập rất thuận lợi cho các em học sinh. Phụ huynh không phải đóng góp các khoản tiền gì ngoài quy định.

Bà Nga cho rằng, việc tái sử dụng trang thiết bị qua các năm là cần thiết để giảm gánh nặng cho phụ huynh cứ đầu năm học lại thay mới toàn bộ như cách làm tại một số trường.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi đối với trường học ở các cấp, đảm bảo công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Bất cứ khoản nào ngoài quy định, các cơ sở giáo dục đều không được phép thu. Khi ngành đã có những hướng dẫn, quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng các trường học sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền.

Thu Hương