Xét tuyển bổ sung: Hãy chọn ngành thực sự muốn học
Cho đến thời điểm này, hàng chục trường đại học (ĐH) công lập vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Trong đó mức điểm sàn nhận hồ sơ dao động từ 15 – 23,43 điểm tùy trường, ngành học.
Ở phía Bắc, Trường ĐH Thương mại thông báo xét tuyển bổ sung các chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH liên kết với các trường ĐH đối tác nước ngoài. Để xét tuyển theo kết quả học tập THPT 5 học kì, thí sinh cần đáp ứng điều kiện đã tốt nghiệp THPT, đồng thời có kết quả trung bình học tập và kết quả trung bình môn ngoại ngữ từ 6,5 điểm. Nếu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi bất kỳ thuộc các môn thi tốt nghiệp từ 20 điểm trở lên. Để xét tuyển thẳng, thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ còn thời hạn giá trị đến thời điểm xét tuyển sẽ được xét tuyển thẳng, cụ thể: IELTS 5.5, TOEFL iBT 72, APTIS ESOL B2, TOEIC (4 kỹ năng) 1095, VSTEP bậc 4/6 trở lên. Sinh viên sẽ được đào tạo toàn khóa (3 năm) học ĐH tại Trường ĐH Thương mại (thời gian đào tạo ĐH của các nước châu Âu là 3 năm).
Theo thông tin từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, học viện xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương đủ điều kiện xét tuyển học ĐH theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề án tuyển sinh của học viện; các thí sinh chưa trúng tuyển vào học viện trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 21 điểm. Riêng nhóm ngành Sư phạm công nghệ thí sinh đạt học lực năm lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8.0 trở lên.
Ở phía Nam, trong số trường xét tuyển bổ sung có nhiều trường ĐH công lập như Trường ĐH Kinh tế TPHCM (xét tuyển bổ sung phân hiệu Vĩnh Long), ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công thương TPHCM, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Thủ Dầu Một…
Ngoài ra, các trường ĐH khác cũng xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu khá lớn như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Hồng Bàng, Duy Tân, Hùng Vương TPHCM. Các trường này xét tuyển hầu hết các ngành, bao gồm những ngành khối sức khỏe như y khoa, răng hàm mặt, dược.
Như vậy, chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của các trường ĐH còn khá lớn. Tuy nhiên, để chọn ngành nào, trường nào xét tuyển, phụ huynh và thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố liên quan.
Tại tọa đàm mới đây về “Cơ hội nào với nguyện vọng bổ sung” được tổ chức tại phía Nam, bà Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên (Trường ĐH Hùng Vương) lưu ý, thí sinh khi tham gia xét tuyển bổ sung vẫn phải dựa trên nguyên tắc chọn ngành là những ngành phù hợp với năng lực và đam mê. Thí sinh không nên “chọn đại” một ngành nào đó chỉ vì muốn được tiếng đã trúng tuyển ĐH. Cũng không nên chọn ngành theo số đông, bạn bè, mà ngành học nên thật sự là ngành muốn học và thích học.
Ông Ngô Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông (Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng) đánh giá, các thí sinh chọn các đợt bổ sung thường có tỷ lệ nhập học cao hơn đáng kể so với trúng tuyển đợt 1. Điển hình, trong xét tuyển đợt 1 tại trường, tỷ lệ 70-75% xác nhận nhập học với nhóm ngành khoa học sức khỏe, và 65-75% với các ngành khoa học xã hội, ngôn ngữ. Còn xét tuyển bổ sung đang được trường triển khai thì tỷ lệ nhập học lên tới 80-90%. Trong số 600 chỉ tiêu tuyển bổ sung, đến nay trường tuyển được 200. Ông Dũng nhấn mạnh: Điều này cho thấy các thí sinh lựa chọn xét tuyển bổ sung thường đã suy nghĩ thật kỹ về ngành học của mình. Hiện trường vẫn tiếp tục nhận các nguyện vọng xét tuyển bổ sung từ thí sinh.
Các chuyên gia tuyển sinh ở các trường ĐH cũng chia sẻ một thực tế, hiện có nhiều thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển nhưng từ chối nhập học. Số lượng thí sinh chọn hướng đi khác này có thể vì đi du học, hoặc trúng tuyển những ngành không phải ngành mình mong muốn, hoặc có thể đi học cao đẳng. Tại không ít trường ĐH (đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM), con số 20% từ chối nhập học cũng là số lượng lớn. Mặc dù các trường đã thực hiện tốt công tác lọc ảo, tư vấn tuyển sinh nhưng thực tế nhiều em vẫn từ chối nhập học vì chưa vào được ngành mình mong muốn.