Bộ Tài chính đang dành ưu ái đặc biệt cho Vietlott SMS?
Ngày 24/8/2023, Bộ Tài chính liên tiếp ban hành các văn bản số 9108/BTC-TCNH, số 9110/TB-TCNH, số 9111/TB-TCNH có nội dung nhấn mạnh không thừa nhận các hình thức phân phối vé xổ số qua internet (bao gồm mua hộ vé xổ số), nhưng lại yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS. Điều này đã và đang vấp phải nhiều ý kiến phản biện, quan điểm trái chiều của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối vé xổ số.
Tạo ra độc quyền?
Vietlott SMS là sản phẩm được tạo ra giữa Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cùng Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện, Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật số Việt và 03 nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel.
Để sử dụng Vietlott SMS, người dùng vẫn phải tải ứng dụng Vietlott SMS về điện thoại, cài đặt, chọn các bộ số theo từng sản phẩm, sau đó đặt mua thì ứng dụng SMS mới tạo ra tin nhắn tự động để gửi đi đặt hàng.
So sánh các ứng dụng có thể thấy, các kênh trung gian, ứng dụng mua hộ vé số hiện có trên điện thoại di động (IOS, CHpaly) nói chung và kênh phân phối Vietlott SMS về bản chất là giống nhau. Các thao tác mua vé đều phải thực hiện trên điện thoại (có kết nối internet hoặc dữ liệu 3G 4G 5G). Đều là ứng dụng trên điện thoại di động, đều sử dụng internet, các thuật toán, thông qua ứng dụng để nhận đơn hàng từ người chơi, sau đó phát hành vé vật lý. Hai hình thức này khác nhau về tên gọi và 01 bên là ứng dụng mua hộ qua SMS được Vietlott cho phép, 01 bên là các ứng dụng mua hộ chưa được Vietlott cho phép nhưng có phát hành vé vật lý ghi đầy đủ thông tin khách hàng và có thể kiểm tra kiểm soát.
Thế nhưng, tại văn bản số 9110/TB-TCNH gửi UBND các tỉnh, thành về chấn chỉnh hoạt động phân phối vé xổ số kiến thiết qua internet, Bộ Tài chính khẳng định các hình thức qua mạng internet là vi phạm. Mặt khác, Bộ này lại ban hành văn bản số 9111/TB-TCNH gửi Vietlott với yêu cầu “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS”. Bộ Tài chính có thực sự khách quan, có đảm bảo yếu tố cạnh tranh theo Luật định không khi một mặt không thừa nhận ứng dụng của các doanh nghiệp hiện có trên thị trường, một mặt lại yêu cầu đẩy mạnh quảng bá ứng dụng của doanh nghiệp ngoài nhà nước là Vietlott SMS? Nói cách khác, việc ban hành các văn bản như trên liệu có phải là chiêu thức “dẹp đường” cho Vietlott SMS giữ thế độc quyền?
Nên chấp thuận các ứng dụng khác
Khi nghiên cứu các hình thức phân phối vé số, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng: “Khi chưa có Internet, chưa có mạng xã hội, hoạt động mua bán xổ số chỉ có một hình thức là mua bán trực tiếp. Hiện nay, thương mại trực tuyến cho phép mua bán qua mạng, tôi cho rằng dịch vụ phân phối vé xổ số qua qua app, ví điện tử… là bình thường. Đó là quy luật khách quan của thị trường, người dân đang cần, đang đồng tình. Cấm là gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”.
Được biết, tại Thông tư 36/2019/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán đã quy định các phương thức phân phối vé xổ số gồm: “bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối”, “thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động”, “thông qua internet”.
Phương thức “thông qua internet” lại đặt ra điều kiện tiên quyết “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận”. Điều đó có nghĩa, nếu Bộ Tài chính không chấp thuận, hàng chục ứng dụng về phân phối vé xổ số (đảm bảo tính ưu việt, các yếu tố cần thiết trong giao dịch dân sự, dịch vụ, thương mại, không có nguy cơ phát sinh tội phạm) sẽ không được công nhận và bị xử lý.
Kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp đã chỉ ra rất nhiều điểm ưu việt từ ứng dụng phân phối vé xổ số qua internet và rất cần Bộ Tài chính xét đến như: Đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi, mọi lúc, mọi nơi, an toàn và bí mật, khách hàng không cần phải bất chấp mưa nắng lặn lội đến điểm bán hàng; có thể thu hút thêm được nhiều đối tượng tham gia, bao gồm khách hàng ở vùng sâu, xa chưa có điểm bán Vietlott, hoặc nhân viên, công chức thường tham gia bằng cách chọn các kênh phân phối Online, kênh mua hộ; thuận tiện khi mua, nắm giữ vé số, không sợ quên, mất hay hư hỏng; khách hàng chủ động tìm hiểu về sản phẩm, không bị phụ thuộc hoàn toàn vào việc phải ra điểm bán; chi phí đầu tư hệ thống thấp hơn so với việc phải mở hàng loạt các cửa hàng bán vé số trên khắp toàn quốc; góp phần không nhỏ vào việc tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, tạo ra cơ hội việc làm cho rất nhiều người lao động; tham gia tích cực vào mục tiêu “chuyển đổi số quốc gia” và “giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt”; bổ trợ hiệu quả cho các điểm bán offline, giúp tiếp cận, thu hút được nhiều khách hàng mới bằng các chương trình marketing online hiệu quả; tạo thế cạnh tranh, ngăn chặn lợi ích nhóm, thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp tham gia; bắt nhịp được với xu thế tất yếu của thời đại và của các nước trên thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng phân phối vé xổ số.
Thực tế cho thấy, các ứng dụng phân phối vé xổ số hiện nay đang góp phần tạo ra thế “kinh doanh lành mạnh - chống độc quyền” trong hoạt động phân phối vé xổ số. Bởi nếu nhà nước chỉ ưu tiên cho kênh phân phối Vietlott SMS, đồng thời cấm đoán các ứng dụng mua hộ khác thì vô hình chung sẽ dẫn đến câu chuyện độc quyền trong kinh doanh, dẫn đến các hệ luỵ xấu có thể xảy ra. Thậm chí, với thời đại khoa học và công nghệ thông tin đang phát triển, tin nhắn giả mạo tràn lan cũng là vấn đề đáng quan tâm khi quản lý vé số Vietlott SMS.
Dưới góc độ pháp lý về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Bộ Tài chính đang tạo ra sự độc quyền khi thừa nhận Vietlott SMS nhưng lại phủ nhận các ứng dụng khác là đang làm kìm hãm sự sáng tạo, đổi mới trong kinh doanh, dễ dẫn đến méo mó trong hoạt động phân phối vé xổ số. “Nếu Vietlott SMS giữ thế độc quyền, ngoài việc không tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế còn có thể gây ra nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến việc hoàn thiện các thể chế pháp lý để thúc đẩy sự phát triển cũng như hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh của lĩnh vực này. Đồng thời nó cũng đặt ra cho dư luận xã hội sự hoài nghi về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của đơn vị được chấp thuận kinh doanh hình thức Vietlott SMS và yếu kém trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này khi cho phép doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc phân phối vé xổ số thông qua các hình thức khác”, Luật sư Hoàng nhấn mạnh.