Xã có hàng trăm ca sốt xuất huyết: Chính quyền bác thông tin lấy nước bẩn vào làng gây ô nhiễm
Lãnh đạo xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, TP Hà Nội) bác thông tin HTX nông nghiệp thôn Vĩnh Ninh tự động lấy nguồn nước bẩn, chưa qua xử lý từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch để làm nước tưới tiêu gây ô nhiễm môi trường.
Một xã có hơn 257 ca dịch sốt xuất huyết?
Như Báo Đại Đoàn Kết Online, thời gian qua tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội có hàng trăm người nhập viện do sốt xuất huyết.
Chỉ tính riêng ở Hà Nội, huyện Thanh Trì là một trong số huyện của Hà Nội có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất, xã Vĩnh Quỳnh chiếm 70% số người mắc bệnh sốt xuất huyết của huyện. Tính đến hết ngày 22/8 xã này đã có 257 người mắc bệnh cao gấp 6 lần so với cả năm 2022. Đáng chú ý, riêng thôn Vĩnh Ninh có 229 bệnh nhân, chiếm gần 90% số ca mắc sốt xuất huyết của toàn xã.
Để làm rõ vì sao chỉ một xã mà có hơn 257 ca, ông Lưu Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho hay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh tại xã, đặc biệt ở thôn Vĩnh Ninh vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Sau đó, dịch lan nhanh sang cụm 13 rồi ra cả thôn và các thôn khác trên địa bàn xã. Đến nay xã có hơn 257 ca mắc và 1 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Vĩnh Ninh.
Theo ông Hùng, để khống chế ổ dịch phải diệt được các mầm bệnh từ muỗi, bọ gây, xã đã chia nhỏ các khu vực để các đơn vị, các thôn thực hiện việc vệ sinh môi trường. Mặt khác, xã cũng đẩy mạnh các đội ngũ cộng tác viên cùng nhân viên y tế đến từng nhà để phát tờ rơi hướng dẫn các gia đình có bệnh nhân cách phòng chống muỗi đốt và vệ sinh lại nhà cửa.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, đa phần người dân có ý thức trong việc diệt loăng quăng bọ gậy nhưng đâu đó vẫn có người do bận công việc chưa thực sự chú ý. Một số nơi chứa nước mưa, nước tù đọng, thậm chí những nơi trang trọng như ban thờ có lọ đựng hoa, đựng chén nước lâu ngày vẫn là nơi muỗi đẻ, sinh sôi nảy nở.
“Năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát sớm, một số người dân cũng chủ quan không báo sớm. Khi có ca mắc sẽ tăng rất nhanh. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng cộng thêm ý thức người dân đến nay dịch đã tạm thời được kiểm soát. Trong thời gian tới xã tiếp tục phát động, duy trì nền nếp vệ sinh môi trường vào chiều thứ sáu hằng tuần tại các cơ quan, đơn vị, trường học; và sáng thứ bảy hằng tuần đối với các thôn, tổ dân phố; tiếp tục phát huy vai trò của các tổ xung kích với khẩu hiệu không có bọ gậy, không có muỗi và sốt xuất huyết”, ông Hùng nói thêm.
Để xử lý triệt để xã Vĩnh Quỳnh cũng đã bố trí 157 tổ xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết. Mỗi tổ có 2-3 người là thành viên từ các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, dân phòng… Mỗi tổ phụ trách 50 hộ gia đình để giám sát những người bị sốt ngoài cộng đồng, tổng hợp các trường hợp sốt để báo cáo về xã, thôn…
“Có thời điểm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã huy động 25 máy phun thuốc diệt muỗi tiến hành phun diện rộng và phun thành 2 đợt nên đến nay dịch sốt xuất huyết trên địa bàn xã cơ bản đã được kiểm soát. Xã cũng tuyên truyền người dân diệt muỗi trưởng thành nhưng quan trọng là diệt bọ gậy, vệ sinh trong nhà, làm sạch môi trường xung quanh”, ông Hùng nói.
Nước từ các nhánh sông chảy vào gây ô nhiễm
Về tình trạng mương, cống nước bao quanh thôn Vĩnh Ninh nhiều rác thải, gây hôi thối nồng nặc vị Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết, vấn đề này đã tồn tại từ vài năm nay.
Theo ông Hùng, xã Vĩnh Quỳnh trong đó có thôn Vĩnh Ninh là “rốn” của huyện Thanh Trì và thành phố. Khi nước thải từ các nơi chảy về qua sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét đã chảy vào cùng rác thải tích đọng lại gây ô nhiễm.
“Đa phần người dân cũng rất ý thức, không xả rác ra mương cống. Chỉ có hệ thống nước thải gia đình xả ra nhưng không đáng là bao. Chủ yếu nước từ các nhánh sông chảy vào gây ô nhiễm. Về rác thải do Xí nghiệp thuỷ lợi vớt dọn”, ông Hùng nói.
Bên cạnh việc ô nhiễm do các nhánh sông chảy vào thì một số ý kiến cho rằng, cứ đến mùa mưa là nước thải của Nghĩa trang Văn Điển tràn ra, bụi và nước thải của hai nhà máy hóa chất rất lớn đó là nhà máy phân lân và nhà máy pin Văn Điển tràn về tất cả các kênh mương gây ô nhiễm môi trường cực kỳ nghiêm trọng.
Trước vấn đề này, ông Hùng phân trần, không có chuyện nước thải từ Nghĩa trang Văn Điển cũng như từ hai nhà máy hóa chất rất lớn đó là nhà máy phân lân và nhà máy pin Văn Điểm tràn về.
“Nước từ Nghĩa trang Văn Điển cũng như từ nhà máy phân lân không có nên không có chuyện nước thải chảy về thôn Vĩnh Ninh. Đặc biệt, nước hoa màu được lấy từ nước sông Hồng chứ không phải lấy nước thải từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Vào mùa mưa thì nước các nơi chảy về sạch hơn, vào mùa hè ô nhiễm nhất”, ông Hùng nói.
"Tại các cuộc họp, cử tri cũng như xã hoặc lãnh đạo huyện Thanh Trì, Đại biểu Quốc hội cũng đã ý kiến rất nhiều lên thành phố. Về giải pháp chúng tôi đang chờ đợi dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, huyện Thanh Trì sớm hoàn thành để xử lý nguồn nước bẩn từ các nơi đổ về. Dự án được kỳ vọng làm hồi sinh các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ", ông Hùng cho hay.