TP HCM sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, phát triển xanh
Ngày 6/9, tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh chủ trương trên.
Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố đang đứng trước các thách thức to lớn về biến đổi khí hậụ, chất lượng cuộc sống, hay là an ninh năng lượng, phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học thành phố. Đây là những vấn đề nội tại nếu không chuyển đổi xanh, nếu không có chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế thành phố mất đi năng lực cạnh tranh.
“Thành phố cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Ông Phan Văn Mãi cũng khẳng định, TP HCM là địa phương phải đi tiên phong, nhận nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Ông Phan Văn Mãi 3 trụ cột của chuyển đổi xanh là nguồn lực, hạ tầng và hành vi. Thành phố cần có những mô hình để huy động nguồn lực và đưa vào đúng trọng tâm để chuyển đổi xanh nhanh, hiệu quả. Trong thời gian tới thành phố sẽ ban hành chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Lãnh đạo UBND TP HCM cho rằng, thành phố là trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn nên cần có định hướng, quy hoạch, đặc biệt là nguồn lực lớn và cách làm hiệu quả để có nguồn cung năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
Theo kế hoạch hiện tại đến năm 2030 nguồn năng lượng sạch tối đa của thành phố khoảng 30%. Hiện nay, tính tổng năng lượng sạch cho thành phố chỉ 14- 15%. Bên cạnh đó, thành phố đang nghiên cứu về tuần hoàn tài nguyên, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng, tái chế; sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả…
TS. Trần Văn - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) chia sẻ, TP HCM cần sử dụng các nguồn tài chính xanh, kể cả phát hành TPX của chính quyền địa phương (để đầu tư một phần hay toàn bộ) cho các dự án năng lượng tái tạo, như: điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời mái.
Đồng thời hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; xây dựng hệ thống rác phát điện từ rác thải sinh hoạt thay vì chôn lấp như hiện nay; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.