Thách thức 'tài chính xanh'
Tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” diễn ra ngày 6/9 tại TP HCM, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, toàn ngành xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 là 3,6 tỷ USD.
Nhiều thách thức
Số liệu này cho thấy thị trường toàn cầu bắt đầu nóng lên nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành dệt may, đó là mô hình phát triển bền vững. Theo Chủ tịch VITAS, cách đây 5 năm ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Thực tế, đã có doanh nghiệp (DN) đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
Là DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, song gần đây CT Group chú trọng đầu tư và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như tối ưu về tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, còn phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, đơn vị này còn đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải nhà kính đến năm 2050 đạt net zero.
Dù vậy, theo đại điện CT Group, DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh nếu phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thuỵ Sĩ… vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các DN startup về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Về vấn đề này, VITAS cũng kỳ vọng, có chính sách vốn để các DN dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững”.
Theo nghiên cứu của nhóm giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Bristol (Vương quốc Anh), TPHCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TPHCM cũng đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4 - 12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Có thể nói, đây là một mục tiêu đầy tham vọng.
Ủng hộ mục tiêu này, nhiều DN đã dần bắt đầu hành động. Không chỉ đẩy nhanh tiến bộ trong việc kiểm kê khí thải, các DN có thể chuyển đổi xanh bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp, như thay đổi trong hoạt động kinh doanh để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và tạo ra giá trị bền vững.
Tìm hướng triển khai thị trường tài chính xanh
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp về nguồn vốn phát triển xanh, ông Phạm Trung Kiên - Phó trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho biết, đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% dư nợ cho vay nền kinh tế). Trong đó đặc biệt là các lĩnh vực là lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh. Cũng theo ông Kiên, với đặc thù là ngân hàng 100% thuộc sở hữu nhà nước nên Agribank luôn đặt trọng tâm phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng quốc gia và đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu. Song song đó, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh có chính sách ưu đãi khuyến khích cho vay các dự án phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường...
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Thanh - Phó Tổng giám đốc HDBank thông tin, dư nợ tín dụng xanh trong năm 2022 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng. Từ những năm 2018, HDBank có chương trình cụ thể gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi xanh.
Nhận định về thị trường tài chính xanh hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, quốc tế có hơn 2,4 nghìn tỷ trái phiếu xanh, riêng Mỹ 400 tỷ USD. Tại Việt Nam, có 3 DN phát hành trái phiếu xanh với lượng rất khiêm tốn, riêng thị trường chứng khoán không nghe trái phiếu xanh. Trong khi, Chính phủ đã có tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn hạn chế. Ông Hiếu đặt vấn đề để trái phiếu xanh phổ biến thì cần sử dụng vốn thế nào/ cho công trình dự án gì? Đặc biệt dự án phải được thẩm định chặt chẽ, các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào và báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.
Ông Hiếu cũng cho rằng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành tuân thủ. “Trường hợp Việt Nam chậm triển khai thì 3 - 5 năm tới thị trường trái phiếu xanh chỉ đề cập cho vui. Bởi vì, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn chứ đừng nói là thị trường trái phiếu xanh” - ông Hiếu nói.
Theo ông Trương Văn Phước - Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thị trường tài chính xanh quan trọng song không đơn giản để triển khai. Câu hỏi đặt ra hiện nay rất thiết thực, hàng xuất khẩu qua châu Âu, thị trường Hoa Kỳ đang đòi hỏi gì liên quan đến phát thải khí để giúp DN một cách thiết thực hơn. Những vấn đề này Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải... phải phác thảo thật sớm tạo điều kiện cho DN xuất khẩu.