Lo ngại những ngành 'trắng' giáo sư
Tổng số ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) của 26/28 Hội đồng GS cơ sở năm 2023 là 695 người, tăng 249 người so với năm 2022. Tuy nhiên, có những ngành “trắng” ứng viên GS đến nay là 2 năm liên tiếp.
Vắng ứng viên ngành Khoa học xã hội
Theo danh sách ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 vừa được Hội đồng GS Nhà nước công bố, Hội đồng GS ngành kinh tế có số lượng ứng viên đông nhất với 102 ứng viên gồm 10 GS, 92 PGS. Xếp thứ 2 trong 26 hội đồng GS ngành, liên ngành được công khai, Hội đồng GS ngành Y học với 82 ứng viên. Xếp thứ 3 là Hội đồng GS liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm với 60 ứng viên.
Ngành Luyện Kim, ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học và Văn học có tổng số lượng ứng viên GS, PGS ít nhất, lần lượt là 3, 4, 5. Trong đó, ngành Luyện kim, Triết học - Xã hội học - Chính trị học không có ứng viên GS. Đặc biệt có ngành “trắng” ứng viên GS 2 năm liên tiếp là ngành Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Dược học và Văn học.
Mặc dù năm nay số lượng ứng cử viên tăng hơn so với năm 2022 nhưng ghi nhận thực tế từ năm 2019 tới năm 2022, số ứng viên tham gia xét GS, PGS giảm mạnh so với thời gian trước đó. Nguyên nhân do từ năm 2019, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được thực hiện theo Quyết định 37/2018 của Thủ tướng với những tiêu chuẩn cao hơn trước đó.
GS.TS Nguyễn Văn Chính (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) là ứng cử viên duy nhất tại liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học được công nhận đạt chuẩn chức danh GS năm 2022 bày tỏ nỗi trăn trở về đội ngũ kế cận. Ông phân tích, sau hơn nửa thế kỷ phát triển của ngành học này, cho đến nay Dân tộc học mới chỉ có 2 người được phong hàm GS là GS Phan Hữu Dật - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và GS Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).
Ông Chính lo ngại trong vòng 5 năm nữa, ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam chưa có ai hội đủ các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn GS, điều này ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ với những người làm nghiên cứu Khoa học xã hội.
Có nên hạ chuẩn?
Theo GS.TS Nguyễn Văn Chính, đối với Khoa học xã hội, việc nghiên cứu và xuất bản công trình khoa học trên các tạp chí chuẩn mực của thế giới không hề dễ dàng. Việc này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tích lũy tri thức, thông tin và hội nhập vào xu hướng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của thế giới trong khi chương trình và nội dung đào tạo của Việt Nam lại chưa hội nhập. Người trẻ dù nhiệt huyết và sức khỏe nhưng thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống, xã hội nên khó có được những công bố khoa học đỉnh cao ở khối khoa học xã hội, rất khó để người trẻ đạt được khi còn thiếu trải nghiệm. Thêm nữa, để xuất bản một bài báo khoa học cần khá nhiều thời gian nên có thể ứng cử viên đạt được chuẩn về xuất bản cũng là lúc đến tuổi về hưu.
Liên quan tới vấn đề này, GS.TS Vũ Dũng - Chủ tịch Hội đồng GS ngành Tâm lý học cho rằng, việc yêu cầu phải có bài báo quốc tế uy tín đối với ứng viên GS, PGS tất cả các ngành/liên ngành có phần cứng nhắc, dẫn đến tình trạng nhiều nhà khoa học mất đi động lực phấn đấu, khiến số lượng giảng viên chức danh PGS, GS ở trường ĐH những năm gần đây giảm nhiều.
Thực tế, sau 5 năm áp dụng quy định tiêu chuẩn mới, theo một số chuyên gia cần có những đánh giá, nhìn nhận lại để điều chỉnh những bất cập phát sinh trong thực tế, trong đó có khó khăn cho lĩnh vực khoa học xã hội có những đặc thù riêng. Trong đó, có ý kiến đề xuất thay thế bài báo quốc tế bằng tạp chí trong nước được công nhận hoặc xếp hạng. Dẫu vậy, để công khai, minh bạch và quan trọng nhất là hướng tới chất lượng thực sự thay vì chỉ công nhận cho có, vẫn cần được xem xét thấu đáo đề xuất này trong bối cảnh công bằng với tất cả những ngành/liên ngành khác khi xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.