TP HCM: Số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đang giảm
Thông tin trên được đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết trong chiều 7/9.
Theo HCDC, trong tuần qua (tuần 35 - từ ngày 28/8 đến ngày 3/9), TP HCM ghi nhận 792 ca tay chân miệng, giảm 20,6% so với tuần trước và giảm 60,5% so với trung bình 4 tuần trước. Như vậy bệnh tay chân miệng (TCM) đã giảm 5 tuần liên tiếp từ đầu tháng 8/2023.
Mặc dù số ca mắc bệnh TCM giảm song HCDC cho rằng, thời gian sắp tới, việc học sinh đi học lại có thể làm tăng số ca mắc do lây nhiễm trong trường học nên nhà trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Về bệnh sốt xuất huyết, HCDC thông tin, trong tuần 35, TP HCM cũng ghi nhận 298 ca sốt xuất huyết, giảm 24,2% so với tuần trước và giảm 20,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên do TP HCM đang trong mùa mưa nên nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực (giám sát điểm nguy cơ, loại trừ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, lăng quăng…) thì bệnh dễ có nguy cơ tăng trở lại.
Ngoài 2 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết nêu trên, trong những ngày gần đây theo số liệu từ các cơ sở điều trị, bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây nên cũng cần lưu ý phòng chống lây lan trong trường học, vì khi mắc bệnh, học sinh phải nghỉ học để cách ly, ảnh hưởng đến việc học hành.
Sở Y tế TP HCM cho hay, báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ ngày 1/1 cho đến nay là 71.740 lượt. Đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. Trước tình trạng trên, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các bên khẩn trương tìm chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ.
Đại diện HCDC khẳng định, ngành y tế luôn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để ngăn chặn lây lan các dịch bệnh trong môi trường học đường. Sở Y tế, HCDC luôn có văn bản cảnh báo kịp thời và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch phù hợp trong trường học, gồm dấu hiệu nhận biết bệnh, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, cách xử trí khi có trường hợp bệnh xuất hiện trong lớp...