Xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại
Ngày 7/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân. Xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, dự thảo luật gồm 9 Chương với 151 Điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thì dự thảo luật lần này giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như: Quy định nội hàm quyền tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án; thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp.
Trình bày ý kiến của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, nhóm nghiên cứu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế của luật hiện hành về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các tòa án. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới đối với công tác xét xử.
Ông Liên nhấn mạnh, về cơ bản dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Theo ông Liên, hồ sơ dự án luật được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tổ chức đánh giá tác động chính sách, xin ý kiến Chính phủ, các cơ quan liên quan. Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự thảo luật. Đã tổ chức hội nghị Chánh án toàn quốc và hội nghị tại 3 miền để bàn về những định hướng lớn và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật. Tuy nhiên, dự án luật chưa có ý kiến của Chính phủ, các cơ quan liên quan, bản Tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý. Do đó đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều thống nhất với việc sửa đổi dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Song lưu ý rằng việc sửa đổi luật cần có sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan. Rà soát lại bộ máy, cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân nhằm tránh cồng kềnh về bộ máy và tăng biên chế, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân.
Giải trình tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình xây dựng dự thảo luật được chuẩn bị trong thời gian dài, cũng như đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế. Ông Bình khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng cao nhất.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao nỗ lực của Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình chủ trì soạn thảo dự án luật. Bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tới.