Bình Thuận: Không còn vị trí nào khác phù hợp để làm hồ Ka Pét
Trước nhiều thông tin trái chiều liên quan việc tỉnh Bình Thuận dự kiến chuyển đổi hơn 600ha rừng để làm hồ thủy lợi Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam), chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin vụ việc.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết, quá trình triển khai các thủ tục để thực hiện dự án đã nhận được các đóng góp và không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Nhưng, hiện dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này, trong đó có người ủng hộ, người không ủng hộ.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thông tin, dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng của quốc gia. Quy mô hồ Ka Pét có dung tích trên 51 triệu m3 , tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Tổng diện tích đất dự án là 697,73ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng 619,5ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95ha; rừng phòng hộ 0,51ha; rừng sản xuất 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,1ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.
Xung quanh việc tại sao tỉnh Bình Thuận không tận dụng hoặc chọn vị trí khác để xây hồ thủy lợi, thay vì khai thác 619ha rừng tự nhiên để làm hồ chứa, ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án đã được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích kỹ lưỡng, được báo cáo tại rất nhiều kỳ họp, qua hội đồng thẩm định cấp nhà nước, qua nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan trung ương. Theo đó, hiện không còn vị trí nào khác tại tỉnh Bình Thuận phù hợp để làm hồ thủy lợi này.
Bí Thư tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh, huyện Hàm Thuận Nam và khu vực lân cận hiện khai thác 100% công suất các công trình thủy lợi nêu trên, nhưng chỉ tưới được khoảng 15% đất sản xuất nông nghiệp. Mùa khô hàng năm, ở vùng thiếu nước của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh chỉ đạo mỗi tháng chỉ tưới một lần cho hàng nghìn héc ta thanh long, mục tiêu để cây sống chứ không dám cho ra trái, vì không đủ nước.
"Hồ hiện hữu ở các khu vực trên đều được cân bằng dung tích rất kỹ, không đủ năng lực và không có mạng lưới để tưới tiêu cho nơi khác. Chưa kể, các hồ nằm ở độ cao khác nhau, theo nguyên lý nước từ trên cao chảy xuống nơi thấp, nên không thể lấy hồ ở hạ du để tưới cho thượng du. Hồ Ka Pét ở thượng nguồn nên bên cạnh phục vụ nước cho vùng sản xuất sẽ cung cấp nước cho các hồ phía dưới" - ông Dương Văn An chia sẻ.
Liên quan đến hiện trạng điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, ông Đỗ Văn Thông - Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết, đã thực hiện đúng các quy định, quy chuẩn hiện hành. Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng sơ bộ cho thấy, trong tổng số 679,72ha đất rừng có 619,58ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1ha) và 60,14ha đất không có rừng. Phân theo mục đích sử dụng có 149,9ha rừng đặc dụng, 0,86ha rừng phòng hộ, 440,4ha rừng sản xuất và 40,72ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.