Báo động thừa cân béo phì ở trẻ - Bài 3: Đưa chương trình giáo dục dinh dưỡng vào học đường

Đức Trân (thực hiện) 08/09/2023 10:55

Thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ không chỉ có nguy cơ gây bệnh mạn tính nguy hiểm trong tương lai mà còn dẫn tới hệ lụy trẻ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

PV: Thưa ông, thừa cân, béo phì gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ. Bên cạnh những tác động về thể chất thì những hậu quả về sức khỏe tâm thần của trẻ thừa cân, béo phì dường như ít được quan tâm?

PGS.TS Trần Thành Nam: Theo những báo cáo về các chỉ số sinh trắc của trẻ em và học sinh tại Việt Nam cho thấy xu hướng là tỷ lệ béo phì ở trẻ các cấp học tăng.

Thực trạng tần suất tham gia các hoạt động vận động của các bạn trẻ trong độ tuổi cần rất nhiều sự vận động ở học sinh Việt Nam đang giảm. Điều đó kéo theo một số hệ luỵ, không chỉ tăng cân, béo phì, mà sức khỏe thể chất giảm xuống. Ví dụ, trẻ béo phì từ giai đoạn rất sớm có thể dẫn đến một số bệnh liên quan đến tim mạch, sức khỏe thể chất, hệ hô hấp… cũng sẽ yếu hơn. Tỷ lệ vận động giảm như vậy sẽ dẫn đến một số năng lực liên quan đến hoạt động thể chất kém. Vận động ít, thường xuyên nhốt mình trong không gian ảo tương tác với màn hình. Từ đó, sức khỏe thể chất và tinh thần giảm.

Do không tương tác với môi trường thực, các kỹ năng của công dân thế kỷ 21 như sự kiên cường, khả năng lập kế hoạch, xử lý tình huống, thay đổi trong môi trường sống cũng trở nên ngày càng kém.

Một số điều tra gần đây cho thấy, đối với trẻ thế hệ gen Z, Alpha, mức độ hài lòng với cuộc sống giảm, mức độ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần cao hơn. Đây là thế hệ có nguy cơ, dễ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần. Sự kiên cường của thế hệ này cũng như khả năng chỉ số vượt khó so với thế hệ trước trở nên giảm xuống. Đây là thế hệ có nguy cơ có những hành vi mang tính chất bốc đồng, không cân nhắc đến hệ quả.

Nhiều trẻ thừa cân béo phì còn gặp nguy cơ bị body shaming - chế nhạo cơ thể, khiến cá nhân không tự tin về cơ thể, dẫn đến áp lực để họ phải thay đổi diện mạo cơ thể nhằm nhận được sự ủng hộ của xã hội. Vì áp lực đó, rất nhiều người thiếu tự tin trên mạng, trở thành người nghiện thẩm mỹ.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em gia tăng là do tâm lý thích trẻ con “bụ bẫm”, “nuôi con bằng mắt” của các bậc phụ huynh. Ông có bình luận gì về quan điểm này?

- Quan niệm về vẻ đẹp qua 100 năm có sự biến đổi rất nhiều. Thập niên 1970, mọi người thích phụ nữ to béo vì điều đó đại diện cho cuộc sống đầy đủ. Nhưng bây giờ quan niệm về sức khỏe đã thay đổi, về duy trì chế độ cân nặng phù hợp và hoạt động theo liệu trình của khoa học sức khỏe. Có thể khẳng định, thừa cân béo phì là căn bệnh của xã hội hiện đại.

Mặc dù vậy, tâm lý các phụ huynh thường dựa trên cảm xúc là chính. Ví dụ thấy con ăn được nhiều, ngủ nhiều, cha mẹ sẽ cảm thấy yên tâm, nghĩ là càng nhiều càng tốt, ăn nhiều thì khỏe, học nhiều thì tốt,… Tuy nhiên, thực tế, cái gì cũng phải điều độ, quá là không tốt, ngay cả khi cho con học suốt ngày, cha mẹ vẫn nghĩ là càng nhiều càng tốt.

Triết lý giáo dục của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới cho rằng, càng ít càng nhiều. Tại Phần Lan, trẻ dành ít thời gian học trên lớp thì sẽ có càng nhiều thời gian vui chơi, hoạt động ngoài giờ. Như vậy, rèn luyện các kỹ năng sống của công dân thế kỷ 21, khiến trẻ thành công hơn.

Nhận diện về học sinh phát triển toàn diện và khỏe mạnh ngày nay là duy trì cân nặng phù hợp, luôn có kỷ luật bản thân, thói quen ăn lành mạnh, tham gia hoạt động khác,…

Cần những hành động cụ thể nào để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở nước ta, thưa ông?

- Để giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh, chỉ số cơ thể chuẩn, đầu tiên phải giáo dục về mặt nhận thức cho giáo viên, gia đình và học sinh. Đồng thời, nêu ra một số sai lầm, ví dụ, ấn tượng về các chương trình người mẫu gây ấn tượng sai cho học sinh. Học sinh sẽ nghĩ là người phải rất gầy thì mới mặc đẹp. Phải nhận diện vấn đề sức khỏe tinh thần dẫn đến tăng cân béo phì. Một trong những cơ chế khiến ăn nhiều là do căng thẳng. Nhiều người sử dụng hành vi ăn uống như một cách giải tỏa căng thẳng. Chúng ta phải tìm ra cách thức khác để chăm sóc sức khỏe, khiến bản thân thoải mái, không gây hại. Ngoài ra, cần tuyên truyền về chỉ số BMI cho từng lứa tuổi, thế nào là chuẩn mực, dưới ngưỡng và quá ngưỡng. Từ đó, giúp điều chỉnh hành vi.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần đưa những chương trình giáo dục sức khỏe vào chính khóa tại các trường học, qua đó, có thể giáo dục cho trẻ hiểu hơn về sức khỏe dinh dưỡng, đồng thời, khi giáo dục học sinh, ở một mức độ nào đó cũng có thể giáo dục các bậc phụ huynh về các kiến thức của khoa học sức khỏe. Ví dụ, qua những bài tập về nhà của trẻ, phụ huynh có thể tiếp cận, có thể biết được các nguyên tắc khoa học và giúp cho con mình có lịch trình ăn uống khoa học, lành mạnh và duy trì các chỉ số cơ thể. Đây cũng có thể là một kênh kết nối giữa giáo viên và phụ huynh để cùng đạt được mục đích chung là chăm sóc sức khỏe của trẻ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Đức Trân (thực hiện)