Tránh xáo trộn khi sắp xếp đơn vị hành chính

LÊ ANH 08/09/2023 07:33

Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, nhiều chuyên gia cho rằng, TPHCM cần quan tâm đến một lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ dôi dư. Nhất là, việc sắp xếp cần đảm bảo hài hóa, tránh xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân.

Người dân sống trong nhà không số thuộc vùng chồng lấn quy hoạch giữa quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận kéo dài gần 30 năm qua. Ảnh: Hồng Phúc.

Mời chuyên gia, cử tri hiến kế

Sau khi Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin bước đầu về triển khai Nghị quyết 35 tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2023 của UBND TPHCM về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (bao gồm 2 giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030), ngay đầu tháng 9/2023 Sở Nội vụ đã trình kế hoạch chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Theo kế hoạch này, dự kiến vào quý IV/2024, các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ tổ chức Lễ công bố Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 và đến ngày 15/8/2025 sẽ tổ chức sơ kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính mới.

Dù vậy, khi gửi tờ trình UBND TPHCM xem xét ban hành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, Sở Nội vụ TPHCM cũng song song thực hiện hai việc để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho đề án. Đó là phương án tổng thể, định hướng sắp xếp và tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan. Quá trình xây dựng đề án, TPHCM cũng sẽ lấy ý kiến cử tri, nhân dân về đề án sắp xếp trước ngày 31/3/2024. Trên cơ sở ý kiến cử tri, UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp xem xét, thông qua đề án, hoàn chỉnh hồ sơ, gửi Sở Nội vụ TPHCM trước ngày 10/4/2024. Như vậy, các chuyên gia, người dân và cử tri TPHCM sẽ có khoảng gần 1 năm, tính từ thời điểm hiện tại, để tham gia góp ý, hiến kế cho đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn thành phố.

Cần nhớ, trước khi Sở Nội vụ TPHCM có tờ trình UBND TP ban hành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP trong giai đoạn 2023-2025, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cũng đã thông tin ban đầu phương án xử lý trụ sở và nhân sự dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo bà Thắm, để triển khai kế hoạch sắp xếp giai đoạn 2023-2025 thì UBND TPHCM đang tiến hành rà soát các cơ quan đơn vị theo Điều 3, Nghị quyết 35 về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính. Do đó, trong giai đoạn 2023 - 2025 thành phố sẽ không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Tương tự, trong giai đoạn 2026 - 2030 thành phố cũng không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong hai giai đoạn trước đó.

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cũng thông tin về việc TPHCM sẽ chủ động đề ra các giải pháp để xem xét xử lý các trụ sở hành chính công sau sắp xếp dôi dư và nhân sự dôi dư. Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp sẽ có phương án tiếp nhận và luân chuyển đến các đơn vị, các Sở, ngành của thành phố hoặc các đơn vị khác. Nếu các công chức, viên chức, người lao động có nhu cầu, nguyện vọng thôi việc thì thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách như nghỉ hưu, thôi việc và tinh giản biên chế theo quy định hiện hành.

Ưu tiên hàng đầu là người dân

Là cơ quan giám sát, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM nhiệm kỳ XI (2019-2024) cho rằng, MTTQ thành phố cần đóng một vai trò nhất định xuyên suốt quá trình đề án. “Vừa qua Bộ Nội vụ thông tin việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn đầu ở Hà Tĩnh đối với một số xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở, trạm xá của một số xã Thạch Lâm, Thạch Hương bị bỏ hoang, lãng phí hàng tỷ đồng. Tương tự, Thanh Hóa là địa phương đi đầu cả nước về triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Giai đoạn 2019 – 2021 tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở, với giá trị khấu hao tài sản còn nhiều, thậm chí một số địa bàn công trình còn chưa kịp đưa vào sử dụng”.

Dẫn chứng về những vấn đề kể trên, ông Ninh lưu ý, chính quyền TPHCM cần thận trọng trong xem xét, thống nhất đề án sắp xếp cho giai đoạn 2023-2025, bởi vì một trong các ưu tiên hàng đầu vẫn là quyền và lợi ích của người dân tại các nơi được sắp xếp lại.

Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes cho rằng, kinh nghiệm về địa kinh tế cho thấy, các lần sắp xếp đơn vị hành chính thường tác động đến các lĩnh vực khác. “Lúc trước, khi TP Thủ Đức thực hiện sắp xếp, sáp nhập từ 3 quận cũ, thì phải mất khoảng 1 năm sau, các cơ sở, sản xuất kinh doanh, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại mới ổn định được vấn đề bảng biển tên, địa chỉ, trụ sở, điểm cung cấp hàng hóa, showrom ngành hàng,… Đó là chưa kể nhiều bất tiện khác về đăng ký cư trú và hoạt động thương mại, dịch vụ,…có liên quan”. Dù vậy, đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 98 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội ban hành (thay thế cho Quyết định 54 cũ).

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của TPHCM đang thu hút sự quan tâm góp ý, hiến kế từ nhiều tầng lớp nhân dân thành phố và cả nước. Theo dự kiến, quá trình xây dựng đề án, TPHCM cũng sẽ lấy ý kiến cử tri, nhân dân về đề án sắp xếp trước ngày 31/3/2024. Trên cơ sở ý kiến cử tri, UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp xem xét, thông qua đề án, hoàn chỉnh hồ sơ.

LÊ ANH