Khai thác trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu
Chúng tôi đi sâu vào trong những cánh rừng keo, thuộc bãi vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Vượt qua con đường đất dốc đá thì tới các địa điểm khai thác vàng ở khu vực hầm lò 6, bãi Thầu Đâu, Nhà Thùng, nơi phu vàng cặm cụi cào đất để đãi vàng.
Xã Tam Lãnh có diện tích gần 7.000ha, địa hình đồi núi rộng, là nơi có mỏ vàng Bồng Miêu từng được coi là lớn nhất Đông Nam Á. Sau thời thực dân Pháp, hoạt động khai thác vàng tiếp diễn, trong đó nổi bật là Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (hiện đã chấm dứt hoạt động). Thế nhưng mỏ vàng ở đây chưa được đóng cửa và những năm qua vẫn nổi lên vấn nạn khai thác vàng trái phép.
Khai thác vàng trái phép vẫn tiếp diễn
Ông Nguyễn Văn Th., ở xã Tam Lãnh cho biết, hơn 1 tháng qua, hai vợ chồng ông đã vào đây đào đất, đá để tìm quặng vàng, công việc rất vất vả nhưng trung bình mỗi ngày họ cũng chỉ kiếm được 200 nghìn đồng. “Gia đình tôi chỉ làm thăm dò, chứ mấy anh đi vào sâu trong các hầm hố ở bãi vàng này sẽ thấy họ làm rầm rộ, nhiều máy móc hiện đại hơn. Họ không chỉ khoét núi tìm vàng mà còn sử dụng hóa chất để đãi vàng gây ô nhiễm môi trường”- ông Th. chia sẻ.
Một phu vàng chia sẻ: “Bọn em được một ông chủ thuê lên đây để làm vàng, mỗi ngày được trả tiền công từ 200 đến 300 ngàn đồng. Thế nhưng gần 1 tháng qua, em chưa nhận được đồng tiền công nào. Công việc khai thác vàng chủ yếu làm lén lút, do làm trong hầm lò nên ban ngày cũng giống như ban đêm. Hôm nào có lực lượng Công an tổ chức truy quét thì bọn em được nghỉ và rút sâu vào rừng núi, chờ lực lượng chức năng đi thì bọn em mới dám vào làm lại”.
Còn ông Võ Th., ở xã Tam Lãnh cho biết: “Tôi có nghe thông tin đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, tuy nhiên tình trạng khai thác vàng vẫn diễn ra rầm rộ. Đặc biệt trong các khu rừng trồng keo của các hộ dân ở địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thừa nhận: “Hiện nay vẫn còn tình trạng các đối tượng lén lút khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu. Nguyên nhân là do địa điểm khai thác mỏ vàng rất rộng, địa hình núi hiểm trở, trong khi lực lượng Công an xã và cán bộ địa phương ít nên công tác tổ chức tuần tra, kiểm soát ở bãi vàng này gặp nhiều khó khăn. Chính quyền xã thường xuyên kiến nghị UBND huyện Phú Ninh, Công an huyện tăng cường tuần tra, lập các chốt ở các đường dẫn vào mỏ vàng để ngăn chặn.
Thời gian qua xã đã tổ chức 27 đợt kiểm tra, truy quét tại các vực Thác Trắng, hố Ba Liên, Sủng Mùn, đồi Sim… thuộc mỏ vàng Bồng Miêu, phát hiện và làm mất tác dụng 66 hồ hóa chất, 1.950m dây điện, 31 máy nổ, láng trại, 150 lít dầu diezen, 80 bao vôi, 2 cối xay… lập biên bản 2 trường hợp làm vàng trái pháp luật, trường hợp trên đất lâm nghiệp đã buộc chủ hộ có đất khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
“Chính quyền, Công an xã, huyện rất tích cực, tuy nhiên, có cái khó là tổ chức truy quét, đẩy đuổi vàng tặc xong thì một thời gian sau vấn nạn này lại tiếp diễn” - ông Sự cho biết.
Khi nào mới đến hồi kết?
Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết Dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Theo quyết định này, khu vực thuộc đề án đóng cửa mỏ có tổng diện tích 368 ha gồm: Khu Hố Gần 230ha; Khu Núi Kẽm 100ha, trong đó diện tích bãi đổ thải 28ha; Khu phụ trợ Núi Kẽm 10ha, với kinh phí như trên. Thời gian thực hiện việc đóng cửa mỏ là 12 tháng.
Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam cho biết, sau thời gian hoàn tất các thủ tục về hồ sơ cũng như quyết định phê duyệt, đơn vị đã lên kế hoạch đóng cửa mỏ vàng này. Dự án này do liên danh nhà thầu thực hiện gồm: Công ty CP Đầu tư thương mại Thủ Đô Gió Ngàn, Công ty CP Môi trường Việt Úc, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại Hội An, Công ty TNHH cây xanh và xây dựng Tân Tiến.
Theo kế hoạch từ 27/7 đến ngày 10/8/2023, nhà thầu hoàn thiện các thủ tục pháp lý, xây dựng kho tàng, lán trại. Từ ngày 11/8, cơ quan chức năng cùng nhà thầu cắm mốc lộ giới, đưa thiết bị đến công trường đào đắp, san gạt tạo mặt bằng. Ngày 16/8 tiến hành bịt cửa lò, đường lò bằng bê tông; ngày 19/9 triển khai thành hàng rào, biển báo và đầu tháng 11/2023 trồng cây sao đen, keo tai tượng. Sau đó, nhà thầu sẽ xây tường chắn cửa lò chính, nổ mìn đánh sập cửa lò khai thác trái phép, tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, trồng cây và giám sát môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Dự kiến cuối năm 2024 dự án sẽ hoàn thành.
Kế hoạch là như vậy, nhưng đến nay dự án mới hoàn thành hạng mục đo đạc đất trong diện tích đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để cắm mốc. Hiện nay đơn vị thi công đã tập kết phương tiện xe cơ giới lên để tiền hành thi công, nhưng đến nay vẫn chưa có mặt bằng để thực hiện dự án.
Theo ông Trần Duy Phúc - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, nhà thầu đã tập kết phương tiện, máy móc và con người lên mỏ vàng Bồng Miêu, nhưng chưa có mặt bằng để thực hiện đóng cửa mỏ vàng. “Ngoài các đối tượng làm vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu thì khu vực này đã bị người dân trồng cây keo. Do đó, đơn vị đang phối hợp với chính quyền xã Tam Lãnh họp dân, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt được thông tin. Khi cây cối được thu dọn và không còn đối tượng khai thác vàng trái phép ở đây nữa, đảm bảo an toàn thì đơn vị mới có thể triển khai đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu được” - ông Phúc nói.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là: Việc khai thác vàng trái phép ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu bao giờ mới đến hồi kết?
Ngày 18/8/2023, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản giao Công an tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép tại các khu vực: Hố Gần, Đập thải, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm… trên địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh; phá hủy, tịch thu các công cụ, phương tiện tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm, kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức việc khai thác vàng trái phép ở các tụ điểm nêu trên.