Dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ: Dân thấp thỏm chờ an cư - Bài 1: Kỳ vọng và... thất vọng
Suốt hơn 6 năm qua, gần 1.000 hộ dân sinh sống trong lòng hồ Yên Mỹ thuộc 4 xã Thanh Tân và Thanh Kỳ, huyện Như Thanh; Yên Mỹ, huyện Nông Cống và xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) mong mỏi được di dời đến nơi ở mới. Đã có 1 dự án di dân tầm cỡ được tỉnh Thanh Hóa hoạch định và phê duyệt từ năm 2017, nhằm ổn định đời sống cho các hộ dân nói trên nhưng đến nay, dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, vì sao vậy?
Năm 2017, sau khi Dự án di dân trong lòng hồ Yên Mỹ được phê duyệt, 922 hộ dân nơi đây hết sức vui mừng và đặt ra nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sau lần kiểm kê tổng thể duy nhất từ năm 2018, dự án gần như bị trôi vào im lặng.
Khổ như dân lòng hồ
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, lần kiểm kê gần nhất của các ban, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đối với 922 hộ dân trong lòng hồ Yên Mỹ đã cách đây hơn 5 năm (2018). Và cho đến thời điểm này, người dân vẫn đang thấp thỏm chờ đợi được bồi thường, hỗ trợ di cư khỏi khu vực lòng hồ ngập nước đến an cư ở vùng đất mới.
Thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) nằm sâu trong vùng đồi núi, nếu không có sự chỉ dẫn của một số người dân, chúng tôi cứ ngỡ rằng mình đang đi lạc vào một vùng hoang vu nào đó. Phía sau những hàng cây keo khẳng khiu là những mái nhà bị bỏ hoang từ lâu.
Bên trong khu vườn um tùm cỏ dại, ông Lê Duy Thoại – một người dân trú ở thôn Hợp Nhất dừng công việc hái rau, khá ngạc nhiên vì đã lâu không có người lạ đến vùng đất bốn bề ngập nước này. Dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông Thoại kể: Ông vốn là người gốc huyện Hoằng Hóa. Những năm 1980, ông cùng nhiều người dân di cư đến lòng hồ Yên Mỹ sinh cơ, lập nghiệp. Sau vài chục năm bám đất, đến nay gia đình ông đã có 9 khẩu (3 thế hệ chung sống ở đây). Sau khi hồ Yên Mỹ được xây dựng để tích nước, phục vụ cho nông nghiệp, từ năm 1993, Nhà nước có chủ trương vén dân khỏi khu vực ngập. Tới năm 2003, lại tiếp tục di dân lên chỗ cao hơn để tích nước hồ. Và đến năm 2018, một lần nữa người dân lại được di dời hoàn toàn khỏi vùng lòng hồ.
“Mỗi năm có vài tháng bị ngập nước, không nuôi trồng được cây, con gì. Mà mỗi lần nước lên, chúng tôi lại phải di dời đến nhà văn hóa thôn để lánh tạm, nhiều nhà phải đến ở tá túc nhà người quen. Phần lớn thanh niên đã vào Nam, ra Bắc mưu sinh. Ở lại đây chỉ còn hầu hết là người già. Chỉ mong Nhà nước sớm bố trí nguồn kinh phí thực hiện dự án, chúng tôi được đến nơi ở mới, an cư lạc nghiệp”- ông Thoại chia sẻ.
Rời thôn Hợp Nhất, chúng tôi di chuyển đến thôn Thanh Trung, xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh. Ở đây, hoàn cảnh của hàng trăm hộ dân quanh lòng hồ Yên Mỹ cũng không khác mấy so với những hộ dân chúng tôi đã gặp trước đó. Ông Nguyễn Văn Cảm (trú tại thôn Thanh Trung) bộc bạch: Gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng 2 ông bà ngày ngày vẫn phải bám trụ lại khu đất ngập nước để sinh sống qua ngày. “Người dân chúng tôi rất mong mỏi được đến nơi ở mới ổn định cuộc sống. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp để sớm hỗ trợ, di dân đến nơi mới, an cư mới lạc nghiệp”- ông Cảm nói.
Dân vẫn đang kỳ vọng
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Tĩnh - Phó Chủ tịch xã Thanh Tân cho hay: Trên địa bàn toàn xã hiện có 133 hộ, 57,4ha đất ở, canh tác bị ảnh hưởng bởi dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ. Từ năm 2017 khi Nhà nước có chủ trương thì các hộ không được xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà cửa. Do vướng quy hoạch, quy trình làm hồ sơ cấp bìa đỏ cho các hộ cũng phải dừng lại. Không có quyền sở hữu đất, người dân không có điều kiện để vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, hàng năm nước ngập từ tháng 9 tới hết tháng 12. Có khi kéo dài tới tháng 4 năm sau mới rút. Chính vì vậy mà các giống cây ngắn ngày như ngô, đậu, lạc, vừng... không thể sinh trưởng.
Để có nguồn sống, một số hộ dân đã chuyển sang trồng keo. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không khả dĩ vì cây keo phải ngâm rễ trong nước khó phát triển. Đồng thời, số cây keo này cũng sẽ không được Nhà nước hỗ trợ khi tiến hành đền bù do quy định người dân trong vùng dự án chỉ được trồng cây hàng năm.
Từ năm 2018, Dự án đã tiến hành kiểm kê, rà soát đến từng hộ nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện. Các hộ dân vẫn phải mong ngóng tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nhiều hộ không đợi được đành “bỏ của chạy lấy người” tự di dời đi nơi ở khác mưu sinh.
“Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản rằng: Nếu Nhà nước tiếp tục triển khai dự án thì khẩn trương hỗ trợ, bồi thường cho dân đi nơi ở mới. Còn nếu không triển khai nữa thì cần làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vay vốn phát triển, làm ăn. Trong đó, đơn vị vận hành hồ Yên Mỹ phải phối hợp với chính quyền các xã, thống nhất cao trình tích nước, thời điểm tích thuận lợi cho người dân canh tác trong khu vực bán ngập. Nếu kéo dài tình trạng này, người dân sẽ rất khó khăn”- ông Tĩnh nói.
Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ được phê duyệt tổng mức đầu tư là gần 291 tỷ đồng, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 216 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng dung tích chứa của hồ Yên Mỹ thêm khoảng 20 triệu m3 nước, nâng cao năng lực chứa và cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án thực hiện sẽ ổn định đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng khi tích nước lòng hồ Yên Mỹ, bảo đảm các hộ dân sau tái định cư sẽ có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2021. Tuy nhiên đến nay mọi kế hoạch dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
(Còn nữa)