Đòn bẩy phát triển kinh tế số
Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách để phát triển. Trong đó có những cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số.
Đóng góp của kinh tế số
Theo bà Đặng Thị Việt Đức (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), đối với các ngành kinh tế trọng điểm TPHCM, mức số hóa ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 16,31% GDP; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (không gồm sản xuất ICT) chiếm 12,45% GDP; trong hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 10,08% GDP; trong ngành vận tải, kho bãi 9,42% GDP và trong hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ là 5,28% GDP.
Trong khi đó, ông Đoàn Đại Phong - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp (DN) Viettel (Viettel Solutions), TPHCM cần phát triển kinh tế số cho các ngành mũi nhọn như logistics - cảng biển; công nghiệp hóa kỹ thuật số và số hóa công nghiệp. Đồng thời mở rộng hệ sinh thái tài chính số.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Hùng Sơn (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM), tỷ lệ DN dịch vụ trọng yếu tại TPHCM có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh đều trên mức 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ DN ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp, vì vậy cần có chính sách khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Còn theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cần “mở” để các DN tiếp cận, phát triển; tác động lan tỏa đến các DN khác, ngành nghề khác.
Theo Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, thời gian qua, thành phố nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số. Năm 2021, lần đầu tiên thành phố đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38%. Năm 2022, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của thành phố cao hơn bình quân cả nước từ 5 - 10%.
Gỡ khó cho kinh tế số
Mặc dù đánh giá cao hiệu quả phát triển kinh tế số, song các chuyên gia, nhà quản lý đều nhận định, chính sách và nguồn lực hỗ trợ các DN vừa và nhỏ còn hạn chế. Chưa kể, hiện nhận thức nhiều nơi, nhiều cấp chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, ngoài ra phương pháp, công cụ đo lường không thống nhất.
Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số Tập đoàn VNPT cũng cho rằng, hiện nay, các DN có một vướng mắc là nghe rất nhiều về chuyển đổi số, kinh tế số nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Một số ý kiến nhận định, kinh tế số TPHCM có 2 điểm nghẽn là nguồn lực con người và tài chính. Để giải quyết những điểm nghẽn này, thành phố có chính sách thu hút thêm nhiều nhân tài, nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Cũng như cần có nguồn quỹ để tài trợ cho các startup lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Quan tâm nhiều đến kinh tế số, PGS.TS Trần Hùng Sơn đặt câu hỏi: “Chính sách và công cụ tài chính nào hỗ trợ và thúc đẩy DN nâng cấp năng lực thông qua việc áp dụng công nghệ số? Các công cụ chính sách nào thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, kiến thức hơn nữa cho các DN nhỏ và vừa từ các công ty đa quốc gia và công ty công nghệ?”.
PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, 30 năm qua, TPHCM đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới. Kinh tế số sẽ mang lại không gian đó cho thành phố. Định hướng 40% GDP của TPHCM năm 2030 sẽ đến từ kinh tế số. Trong đó, 5 lĩnh vực chính Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần tập trung phát triển để tạo đột phá về kinh tế số là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may, logistics, nông nghiệp và du lịch. Theo ông Tuấn, Nghị quyết 98 của Quốc hội xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số. Việc cần làm tiếp theo, TPHCM xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, TPHCM nếu đứng một mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo” - ông Tuấn nói.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách. Đối với kinh tế số, kinh tế xanh thì thử nghiệm rất quan trọng. TPHCM phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số. TPHCM có thể đưa kinh tế số vào chương trình kích cầu. Lý do, thành phố có nguồn lực và nhiều kinh nghiệm hay về chương trình kích cầu.