Phát triển văn hóa trong kỷ nguyên số
Hiện các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở nước ta có nhiều lợi thế phát triển. Tuy nhiên việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành văn hóa.
Nhiều cơ hội đến từ chuyển đổi số
Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Bởi với gần 100 triệu dân, có số người dùng internet băng thông rộng lớn, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80% và đang tăng nhanh. Đặc biệt, độ tuổi từ 15-64 hiện chiếm gần 70% tổng số dân, là nhóm dân cư có nhu cầu lớn về hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm văn hóa, đồng thời là nguồn nhân lực dồi dào để phát triển thị trường văn hóa.
TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả mọi người.
“Đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận dân chủ cho tất cả mọi người và văn hoá, sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển kinh tế một cách bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc” - TS Hòa nói.
Sự tác động của công nghệ số đã đem tới những thay đổi mạnh mẽ đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), nhờ ứng dụng công nghệ số, đã đem tới những thay đổi mạnh mẽ trong việc thu hút du khách đến với bảo tàng. Trước đây, trong một thời gian dài, Bảo tàng không phải là điểm đến thú vị của du khách, và rất ít người quan tâm. Trước đây, mỗi năm, Bảo tàng chỉ đón được khoảng 50 nghìn lượt khách - một con số khiêm tốn, trong đó 90% là khách quốc tế, chỉ có 10% là khách trong nước và chủ yếu những người nghiên cứu và quan tâm đến mỹ thuật, đây là một thách thức lớn. Đồng thời, theo một khảo sát, thì các hướng dẫn viên du lịch “rất sợ” đưa khách đến bảo tàng, bởi họ không am hiểu các tác phẩm nên không thể thuyết minh cho du khách.
TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện nay Bảo tàng đang triển khai dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Dự án này giúp khách tham quan có thể tham quan bảo tàng ở bất kỳ đâu. Năm đầu tiên đưa vào sử dụng, bảo tàng đã thu được gần 600 triệu đồng từ khách tham quan trực tuyến.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch BHD (Vietnam Media Corp) cho rằng, nước ta có một thị trường rất lớn cho bất kỳ lĩnh vực nào trong công nghiệp văn hóa. Nền văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng nhau, chính vì thế, chúng ta có thể học tập rất nhiều kinh nghiệm từ đất nước Hàn Quốc về phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất của các lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa, đó là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ là tâm huyết của những người làm văn hóa làm ra.
Cùng đồng hành để sáng tạo
Bên cạnh những thuận lợi thì việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, sự thống trị hàng hóa, dịch vụ văn hoá từ các nước phát triển, lấn át tiếng nói của các nước đang phát triển, đe dọa sự đa dạng văn hóa… tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành và sáng tạo văn hóa.
Trước những khó khăn và thách thức mà ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong kỷ nguyên số mang lại, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, giữa nhà quản lý và doanh nghiệp, những người sáng tạo cần xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp.
“Công nghiệp văn hóa có những lợi nhuận hay thành công của các dự án là nhiệm vụ của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Nếu không xây dựng được mối quan hệ “đồng nghiệp” một cách chuyên nghiệp nhất sẽ xảy ra nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp có sự tin tưởng, xây dựng điều đó bằng chính sản phẩm của mình… mở rộng ra được sự nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ” - nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, việc vận hành chính sách ở địa phương đòi hỏi lãnh đạo địa phương am hiểu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo để có thể điều hành.
“Chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia rất được kỳ vọng. Chương trình này có thể tăng kinh phí cho các ngành công nghiệp sáng tạo. Qua chương trình, sẽ có được nguồn kinh phí đầu tư trung hạn cho phát triển văn hóa, trong đó công nghiệp văn hóa với tính chất là một ngành công nghiệp liên ngành, sẽ có được sự tập trung mục tiêu: nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của những người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa, để có thể hiểu được thế nào là công nghiệp văn hóa, quy trình như thế nào, giá trị của sức sáng tạo, sự bảo hộ bản quyền ra sao… Cùng với đó, để có thể tạo điều kiện cho những người sản xuất, sáng tạo, các nhà quản lý phải hiểu được tính chất, quy trình sản xuất và am tường về quản lý trong hoạt động gắn với môi trường công nghệ số” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.