Trường THPT tổ chức lớp học theo môn lựa chọn: Có khả thi?
Hiệu trưởng một số trường THPT cho rằng, chủ trương tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, rất khó thực hiện, thậm chí không khả thi.
Khuyến khích tổ chức lớp học theo môn lựa chọn
Theo văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2023-2024 của Bộ GDĐT ban hành trước thềm năm học mới, đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý hướng dẫn các cơ sở giáo dục khi triển khai các nội dung đang gặp khó khăn.
Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên, Bộ GDĐT lưu ý các trường phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học trong đó bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kỳ phù hợp với việc phân công giáo viên dạy học, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.
Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên. Giáo viên đảm nhận nội dung nào được thể hiện trên kế hoạch giáo dục và được tính giờ thực hiện đối với nội dung đó theo phân phối chương trình (không trùng với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành).
Đối với việc tổ chức dạy học các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn cấp trung học phổ thông, Bộ GDĐT chủ trương khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.
Nhà trường đẩy mạnh tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trường công lập khó triển khai
Các trường THPT nhận định, chủ trương trên của Bộ GDĐT là đúng, nếu triển khai được sẽ rất tốt cho học sinh và đây cũng là mong muốn của các nhà trường, tuy nhiên rất khó để thực hiện vì hiện nay các trường còn thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ.
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh An Giang, việc bố trí lớp theo môn học sẽ làm phát sinh số lớp. Để thực hiện được việc tổ chức lớp học như Bộ GDĐT khuyến khích, các trường cần có tỷ lệ từ 0,8 phòng/lớp trở lên.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) vốn chỉ có 36 lớp nhưng hiện phải tăng lên 45 lớp để đáp ứng nhu cầu người học. Trường cũng đang thiếu 20 giáo viên.
Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, viêc tổ chức lớp theo môn học sinh sẽ được linh hoạt hơn trong lựa chọn môn học thay vì phải chọn theo tổ hợp như hiện nay, nhưng đòi hỏi số phòng học nhiều hơn.
Mặt khác, trong năm học 2022-2023, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở bậc THPT, các trường tồn tại thực tế là có một số môn học được nhiều học sinh lựa chọn, trong khi một số môn lại rất ít em học.
Ví dụ như với các trường có thiên hướng khối D, học sinh có xu hướng chọn môn xã hội. Còn với một số trường có thiên hướng khối A, B, học sinh lại có khuynh hướng chọn các môn khoa học tự nhiên.
Từ thực tế trên, hiệu trưởng một số trường THPT cho rằng, khuyến khích tổ chức lớp học theo môn lựa chọn của Bộ GDĐT là hợp lý, tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, các trường THPT cần có sự quan tâm, đầu tư của những cơ quan chức năng.
Hiện tại, ở khối các trường ngoài công lập, nơi sĩ số ít, nhà trường chủ động được cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, linh hoạt trong trả lương mới có thể triển khai. Còn với các trường công lập, để thực hiện được chủ trương này là rất khó.