Đổi mới không thể nửa vời
2023-2024 là năm học tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 9 và lớp 12. Đây cũng là năm học được ngành Giáo dục xác định mục tiêu bứt phá, đổi mới. Tuy nhiên, đây cũng lại là năm học nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm học mới 2023-2024 đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua khó khăn. Ở thời điểm này, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng cũng đã được 10 năm, 2 năm nữa là hoàn thành. Vậy, đến năm 2025, khi “trọn một vòng đời giáo dục phổ thông 12 năm”, gương mặt của giáo dục nước nhà sẽ ra sao?
Vào năm học mới 2023-2024, nói với truyền thông, tư lệnh ngành Giáo dục rất mong được các vị phụ huynh tiếp tục quan tâm tới “tính mới” trong giáo dục. “Sự phối hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường là một khâu rất quan trọng để có thể đảm bảo cho học sinh có một năm học an toàn, trường học có thể đạt được các mục tiêu của năm học” - ông Sơn nói.
Thời điểm này, giới chuyên gia giáo dục cũng đã đưa ra một số thách thức cần phải vượt qua. Trước hết đó là tình trạng thiếu giáo vên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông. Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên đứng lớp, trong khi đó năm học liền kề trước có tới 19.300 giáo viên nghỉ việc (10.094 người nghỉ hưu theo chế độ, còn lại khoảng 9.000 người ra khỏi ngành). Trong vòng 5 năm, số giáo viên chỉ tăng hơn 100.000 người nhưng số học sinh tăng thêm 3 triệu em.
Đáng chú ý, việc đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến gay gắt. Về Chương trình, một số ý kiến cho là rối ren, việc thực hiện các môn tích hợp, liên môn, tổ hợp môn gây tranh cãi liên tục trong các năm qua nhưng vẫn không thể điều chỉnh. Còn về sách giáo khoa “nhiều sạn”, giá quá cao, lãng phí, có dấu hiệu lợi ích nhóm.
Tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khẩn trương đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong triển khai Chương trình - Sách giáo khoa mới.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Quốc hội, phải sớm hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi, áp dụng cho lứa học sinh lớp 12 đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc này phải chuẩn bị từ bây giờ, có nghĩa là phải ban hành kế hoạch ngay trong nửa đầu năm học 2023-2024. Trong đó có việc giai đoạn 2025-2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính. Đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn, nếu như không “kích hoạt” ngay từ bây giờ thì nhiều khả năng sẽ “bất khả thi”.
Trở lại với năm học mới 2023-2024, với quyết tâm bứt phá của lãnh đạo ngành Giáo dục, điều đó cũng chính là đòi hỏi của xã hội. Để nhà trường thực sự là nơi các bậc cha mẹ tin tưởng gửi gắm con em mình thì không có cách nào là phải đổi mới toàn diện. Không thể chần chừ, cũng không thể đổi mới theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, nửa vời. Những tồn tại, tồn đọng trước đó phải được “dọn dẹp” vì một nền giáo dục nhân văn, tiên tiến.
Đổi mới trước hết và sau cùng cũng chính từ người thầy. Tới nay, giáo viên phần nào đã được “cởi trói” khỏi gánh nặng hồ sơ sổ sách, nhưng còn “bệnh thành tích” thì sao? Liệu có dễ dàng dứt bỏ được không? Rồi còn nạn lạm thu, dạy thêm tràn lan cốt để tăng thu nhập, có thuốc đặc trị hay không? Còn nữa, chấm dứt bạo lực học đường bằng cách nào?
Thiết nghĩ, cùng với những vấn đề vĩ mô thì những gì tưởng chừng vi mô lại rất quan trọng để nhà trường đổi mới. Mà những điều “nhỏ bé” ấy lại thiết thân, diễn ra hàng ngày, không chỉ cần quyết tâm của lãnh đạo ngành Giáo dục mà trước hết phải từ từng trường học, từng giáo viên.
Nói một cách dễ hiểu, để đổi mới giáo dục thành công thì phải “từ trên xuống và từ dưới lên”. Nếu không, có lẽ vẫn sẽ dừng lại ở khẩu hiệu và mãi cũng chỉ là kỳ vọng.
Đó là đối với giáo dục phổ thông. Bậc đại học lại có những khó khăn riêng mà trong phạm vi bài viết này xin chưa đề cập tới.