Sức mua chưa tăng, doanh nghiệp vẫn khó
Do suy giảm toàn cầu, sức mua trong nước và một số thị trường chưa phục hồi nên hoạt động của doanh nghiệp vẫn khó khăn, chưa có nhiều tín hiệu phục hồi.
Doanh nghiệp chưa hết khó
Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, hiện nay kinh doanh của ngành lương thực thực phẩm vẫn ổn định, song lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp (DN) không nhiều. Trong đó 50 – 60% DN hòa vốn, thậm chí lợi nhuận rất thấp so với những năm trước.
Bà Chi cho rằng, nguyên nhân chính của sự sụt giảm này do sức mua của thị trường vẫn chưa hồi phục lại hoàn toàn vì lạm phát, thiếu hụt năng lượng, hậu cần và kho bãi. Giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics biến động không ngừng tác động không nhỏ đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của doanh nghiệp. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang bị cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh... Thị trường các nước xuất khẩu gia tăng rào cản phi thuế quan rất khắt khe.
Đối với ngành gỗ, ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ đồ gỗ Liên Minh cho biết, mặc dù xuất khẩu đồ gỗ có tăng hơn trước, nhưng sức tăng vẫn yếu. Theo ông Hùng, thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi lạm phát và suy thoái ở các nước tiếp tục kéo dài nên ảnh hưởng nặng đến sức mua.
Dựa trên thực tế sản xuất kinh doanh của DN, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho rằng do suy giảm toàn cầu, sức mua trong nước và một số thị trường chưa phục hồi nên hoạt động của DN vẫn hết sức khó khăn, chưa có nhiều tín hiệu phục hồi mặc dù những vướng mắc kiến nghị Chính phủ đang dần tháo gỡ.
Gỡ vướng
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, sở dĩ kinh tế TPHCM còn khó khăn là do kinh tế thế giới tiếp tục biến động, bất ổn và chịu ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Bản thân thành phố cũng chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch Covid-19 và bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của thị trường tài chính, bất động sản trong nước. “Sắp tới, sở ngành TPHCM cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà UBND TPHCM chỉ đạo như: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công và chỉ tiêu công; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho các DN xuất khẩu chi phí hàng tồn kho, củng cố thị trường, tăng kích cầu tiêu dùng bằng cách kéo dài tháng khuyến mãi từ một lên 3 tháng; các cơ quan thuế triển khai thủ tục hoàn thuế nhanh và đơn giản hơn cho DN” - bà Mai gợi mở các giải pháp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện Hiệp hội DN TPHCM kiến nghị, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; khởi động lại chương trình kích cầu của thành phố. Bởi một số DN được phê duyệt vay vốn trong kích cầu nhưng chưa được giải ngân, rơi vào tình trạng có khả năng phá sản.
Chia sẻ với khó khăn của DN, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, các sở ngành cần nhanh chóng giải quyết vướng mắc cho DN. “Thành phố ghi nhận, thời gian qua có 322 kiến nghị thì mới giải quyết xong 119 kiến nghị, còn lại chưa có kết quả cụ thể. Trong đó, 51 kiến nghị còn ở Sở Tài nguyên và Môi trường, 19 kiến nghị ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, 19 kiến nghị ở Sở Tài chính. Đề nghị 3 sở này tập trung phân công cán bộ, phân nhóm để có giải quyết vướng mắc. Chia ra các nhánh nhỏ” - ông Mãi nói đồng thời cho hay, thời gian qua có những đơn vị gửi xin ý kiến sở ngành dù có ngày giờ cụ thể và không phức tạp nhưng một tuần sau mới có ý kiến phản hồi. Tương tự các vướng mắc DN FDI, một số DN Hàn Quốc chia sẻ có những nội dung chuyển qua lần thứ 3 mới được, điều này làm cho uy tín, môi trường đầu tư không tốt.
“Giúp DN tháo gỡ khó khăn để có hoạt động, có doanh số mới có nguồn thu. Đồng thời, rà soát để đảm bảo kỷ cương trong việc thu đúng, thu đủ. Không chỉ ngành thuế, tài chính, mà tại địa phương cũng phải quan tâm, kể cả đầu mối hải quan, các khu công nghệ cũng cùng phối hợp thực hiện” - ông Mãi nhấn mạnh.