Dự án di dân lòng hồ yên mỹ: dân thấp thỏm chờ an cư - Bài cuối: Bao giờ người dân được di dời?
Đây là câu hỏi của những người dân trong vùng lòng hồ Yên Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.
Đội vốn hàng trăm tỷ đồng
Ông Lê Mạnh Huấn - trú tại thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Sau khi đọc bài viết: Kỳ vọng và... thất vọng” trên Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 8/9, người dân cảm thấy được động viên, chia sẻ. Hi vọng, sau những gì Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm có phương án bố trí nguồn vốn, tiếp tục triển khai dự án, giúp gần 1.000 hộ dân trong vùng ngập lòng hồ Yên Mỹ an cư nơi vùng đất mới, yên tâm phát triển kinh tế, thoát nghèo”.
Quá trình tìm hiểu từ chính quyền địa phương các xã, được biết: Do nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ đã bị kéo dài trong nhiều năm, đẩy cuộc sống của gần 1.000 hộ dân vào khó khăn chồng chất. Nguyên nhân chính ở đây được xác định là do số vốn đầu tư ban đầu của Dự án đã bị đội lên hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án được phê duyệt năm 2017, với kinh phí giải phóng mặt bằng 216,156 tỷ đồng; sau hơn 5 năm triển khai, đơn giá đền bù dự kiến tăng khoảng 2,4-2,8 lần so với giá trị phê duyệt. Trong khi đó, hợp phần bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ dân vẫn chưa bố trí đủ kinh phí thực hiện. Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện chưa thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân vùng dự án.
Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Thanh Hóa mới chỉ bố trí được 10,555 tỷ đồng và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến bố trí 100 tỷ đồng cho dự án, không đảm bảo nguồn vốn để triển khai thực hiện. Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có cơ sở để phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Theo báo cáo rà soát mới nhất năm 2023, có 794 hộ dân và 6 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án (trong đó 228 hộ bị ảnh hưởng bởi đất ở, nhà, đất sản xuất. Tổng diện tích bị ảnh hưởng là 294,46ha (đất thổ cư 52,14ha, còn lại là đất nông nghiệp). Tổng số kinh phí tiếp tục thực hiện dự án lên tới 648,735 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2023 - 2024 ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ tái định cư cho 54 hộ dân cần phải di chuyển. Đồng thời bồi thường đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, ổn định đời sống sản xuất cho các hộ dân với nguồn kinh phí 115,588 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ 2025-2027 số vốn là 533,147 tỷ đồng.
Nguồn vốn như trên là rất lớn, khó có khả năng thực hiện được.
Vẫn y nguyên
Được biết, Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình +18,50m đến +20,36m được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt ngày 24/11/2017, tổng mức đầu tư là 290,903 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm tăng thêm khả năng tích nước của hồ lên 20,86 triệu m3, cắt giảm lũ, tránh gây ngập lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ và đảm bảo nguồn nước cấp cho hoạt động sản xuất của Khu kinh tế Nghi Sơn.
Dự án do Sở NNPTNT làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 4 xã: Thanh Kỳ, Thanh Tân (huyện Như Thanh); xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống) và xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn); bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần xây dựng, đầu tư 16 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài 16,152 km. Đến nay, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 16 tuyến đường này theo thiết kế, giá trị giải ngân 47,993 tỷ đồng; đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành ngày 10/12/2021.
Hợp phần thứ 2 là giải phóng mặt bằng (GPMB): Bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho 922 hộ dân, với tổng diện tích bị ảnh hưởng là 273,78ha, bao gồm: 887 hộ ổn định tại chỗ và 35 hộ tái định cư xen ghép (huyện Như Thanh 465 hộ, huyện Nông Cống 143 hộ, thị xã Nghi Sơn 314 hộ). Đến nay, đã trích đo cắm mốc GPMB và thực hiện kiểm kê bồi thường GPMB cho 798 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích 294,46ha. Kế hoạch vốn đã giao 10,555 tỷ đồng, gồm 1,9 tỷ đồng năm 2018 và 8,655 tỷ đồng năm 2021. Kinh phí đã chuyển cho các huyện, thị xã là 2,091 tỷ đồng, các địa phương thực hiện 1,591 tỷ đồng (huyện Như Thanh 0,961 tỷ đồng; huyện Nông Cống 0,16 tỷ đồng; thị xã Nghi Sơn 0,47 tỷ đồng), số kinh phí 0,5 tỷ đồng chưa thực hiện được đã phải nộp lại ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được thực hiện; các hộ dân bị ảnh hưởng đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên UBND tỉnh và tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Đầu năm 2022, trong cuộc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiều hộ dân đã có ý kiến về việc chậm thực hiện dự án.
Trước thực trạng trên, đầu tháng 8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã chủ trì cuộc họp nghe phương án bồi thường GPMB và bàn giải pháp triển khai thực hiện dự án của các bên liên quan. Sau khi nghe báo cáo giải trình, ông Giang yêu cầu ngành nông nghiệp cần nắm chắc tình hình GPMB dự án, rà soát lại số liệu chính xác; có phương án GPMB, ưu tiên nguồn lực cho việc di dân tại lòng hồ Yên Mỹ theo hướng xen ghép. Yêu cầu các địa phương cần báo cáo số liệu chính xác về tình hình GPMB dự án trên địa bàn huyện mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để tháo gỡ những khó khăn tại Dự án di dân trong lòng hồ Yên Mỹ, hiện nay UBND tỉnh đang giao Sở NNPTNT cùng các huyện Nông Cống, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn rà soát cụ thể lại toàn bộ cũng như đưa ra giải pháp mang tính tối ưu để tiếp tục triển khai dự án. Dựa trên những đánh giá này, tỉnh sẽ có phương án cụ thể đối với dự án trong thời gian tới”.
Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay Sở đang cùng với các địa phương rà soát, kiểm kê đất đai, hoa màu, các khu tái định cư để lên tổng thể phương án đền bù cho các hộ dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Do vật giá thay đổi, thời gian triển khai kéo dài nên số vốn bị đội lên khá cao. Cái khó nhất hiện nay vẫn là bố trí nguồn vốn để chi trả cho các hộ dân.