Tìm ‘đường bơi’ cho cá ngừ đại dương

DUY KHANG 10/09/2023 07:55

Nếu như năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD thì sang năm nay, xuất khẩu cá ngừ sụt giảm khá mạnh. Theo đó, xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thời điểm này, cá ngừ sang một số thị trường đang có sự khởi sắc rõ nét.

Xuất khẩu cá ngừ có nhiều dư địa để tăng trưởng.

Sụt giảm ở một số thị trường

Hiện đang là giữa mùa cá nhưng những vựa thu mua cá ngừ ở cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa lại khá nhàn rỗi. Theo nhiều ngư dân nơi đây, sản lượng khai thác cá ngừ đã giảm sút rõ rệt trong 1 tháng trở lại đây.

Với cá ngừ đại dương, chi phí mỗi chuyến biển không dưới 100 triệu đồng. Vậy mà rất ít tàu khai thác được 2 tấn cá - mức tối thiểu mà ngư dân có lãi. Theo chia sẻ của ông Trần Hoàng Hải - chủ vựa hải sản Thu Lộc, cảng cá Hòn Rớ, Khánh Hòa, mấy tháng trở lại đây ngư dân lỗ vì chi phí cao mà sản lượng cá khai thác thấp.

Sản lượng cá ngừ sụt giảm nhưng giá cá cũng không cao khiến ngư dân không mấy mặn mà. Hiện tại, giá cá ngừ đại dương chỉ từ 110-115 nghìn đồng/kg, giảm đến 50 nghìn đồng mỗi kg so với cuối năm ngoái. Thực tế này bộc lộ một bức tranh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ không mấy sáng sủa.

Nếu như năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt mốc 1 tỷ USD, tăng đến 34% so với năm 2021 thì qua 7 tháng của năm nay, xuất khẩu cá ngừ sụt giảm rõ rệt. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, một số thị trường truyền thống của cá ngừ suy giảm rõ nét. Tại Mỹ, sản phẩm cá ngừ của ta sang thị trường này tiếp tục giảm, theo đó, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6/2023, chỉ đạt gần 26 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước, đạt 143 triệu USD.

Người Mỹ đang lựa chọn cá ngừ đóng hộp phù hợp với ví tiền trong bối cảnh lạm phát khó khăn.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất khối là Nhật Bản và Canada tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mexico và Chile lại tăng trưởng cao.

Tại Nhật Bản, sau khi tăng trưởng trong quý I/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này giảm liên tục trong quý II. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 31%, đạt hơn 3 triệu USD. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 10%, đạt gần 17 triệu USD. Sự mất giá của đồng Yên đang khiến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, trong đó có cá ngừ, bị kìm hãm. Cùng với Nhật Bản, xuất khẩu cá ngừ sang Canada cũng đang ảm đạm. Xuất khẩu sang thị trường này giảm sâu liên tục. Tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu cá ngừ sang đây giảm tới 54%.

Nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu

Tuy nhiên, khác với những diễn biến tại một số thị trường truyền thống, tại thị trường châu Âu và Hàn Quốc, "đường bơi" của con cá ngừ đại dương lại khá rộng mở.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc đang tăng ấn tượng. Số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho hay, lũy kế 7 tháng qua, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 7 triệu USD. Trong nhóm các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, mặt hàng chế biến và đóng hộp đang tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp tăng 468%.

7 tháng đầu năm, trung bình giá xuất khẩu cá ngừ đóng hộp Việt Nam xuất sang thị trường này dao động 3,2-3,5 USD 1 kg. Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thịt/lon cá ngừ hấp đông lạnh là 4,7-6 USD 1 kg. Hiện Tuna Vietnam, Nha Trang Bay và Phat Trien Seafood là 3 công ty xuất khẩu cá ngừ nhiều nhất sang Hàn Quốc, chiếm 64% tổng kim ngạch.

VASEP nêu nguyên nhân khiến Hàn Quốc tăng nhập cá ngừ từ các nước, trong đó có Việt Nam, bất chấp giá hàng hóa tăng cao (đồng Won mất giá so với USD) đó là sản lượng đánh bắt của các đội tàu giảm. Còn nhu cầu đồ hộp tăng là do kinh tế suy thoái, người dân phải thắt chặt hầu bao nên ưu tiên các sản phẩm thủy sản giá rẻ.

Tại Hàn Quốc, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 8, nhưng lại là nguồn cung cá ngừ chế biến, đóng hộp lớn nhất trong nửa đầu 2023. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 6 tháng qua, trong khi tổng nhập khẩu cá ngừ vào Hàn Quốc giảm 7% về khối lượng thì nhập khẩu từ Việt Nam tăng hơn 4 lần.

Các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam đang chiếm gần 77% tổng nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Hàn Quốc.

Tương tự, tại thị trường châu Âu, cụ thể là Italy, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng mạnh những tháng gần đây. Bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP cho hay, mặc dù không nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng Italy gây chú ý với mức tăng gấp 12 lần trong tháng 6/2023.

Theo Tổng cục Hải quan, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Italy đạt 5,8 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm nay Italy nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, chiếm tới hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này sang Italy tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với cá ngừ đóng hộp, xuất khẩu thịt, phi lê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng mạnh 71% so với cùng kỳ. “Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 12 của thị trường này trong số hơn 33 nguồn cung” – đại diện VASEP cho biết.

Một điểm sáng cho "đường bơi" của con cá ngừ nữa phải kể đến Israel. Trong những tháng đầu năm nay, Israel nổi lên là thị trường đầy tiềm năng. 6 tháng đầu năm, cá ngừ Việt Nam sang Israel tăng trưởng cao liên tục, có tháng tăng tới 3 con số. Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Israel đạt gần 25 triệu USD, tăng tới 92% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Hà nhận định: Dù là nước nhỏ, không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế nhưng nhu cầu tiêu dùng của Israel khá lớn và khả năng thanh toán cao nên thị trường này còn nhiều dư địa để khai thác. Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết hồi tháng 7 vừa qua sẽ mở ra cơ hội cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Israel, và xa hơn là thị trường Trung Đông rộng lớn.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cũng nhấn mạnh: “VIFTA là hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực. Dù mới ký kết nhưng theo lộ trình sẽ có gần 93% số dòng thuế áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được Israel cắt giảm về 0%. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá ngừ sẽ có ưu thế lớn so với các nước chưa có FTA với Israel”.

Có thể thấy, dù sụt giảm ở một số thị trường truyền thống, song xuất khẩu cá ngừ có rất nhiều dư địa để tăng trưởng nếu khai thác được tốt những cơ hội đến từ các thị trường tiềm năng. Giới chuyên gia nhận định, để có thể mở rộng thị trường và trụ vững tại các thị trường đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ nói riêng và thủy sản nói chung cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, nắm bắt kỹ thông tin về thị trường để có kế hoạch, chiến lược cụ thể phù hợp với từng thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cần luôn giữ chữ tín, cạnh tranh bằng thương hiệu, chất lượng.

DUY KHANG