Trang bị kỹ năng cho tân sinh viên
Đầu tháng 9, nhiều trường đại học đã tổ chức nhập học, các bạn sinh viên năm nhất bước vào năm học đầu tiên. Không chỉ phải đối mặt với việc học tập trong môi trường mới, với cách học mới, mà việc sinh hoạt, thuê nhà... làm sao để làm quen, thích nghi với cuộc sống sinh viên là điều khiến nhiều bạn rơi vào khủng hoảng.
Bỡ ngỡ, lo lắng...
Đó là những cảm xúc mà các bạn sinh viên năm nhất sẽ phải trải qua khi lần đầu học tại giảng đường đại học. Môi trường học mới, những người bạn mới... sẽ cần một khoảng thời gian để làm quen với mọi thứ xung quanh. Đối với các bạn sinh viên đến từ các tỉnh, nỗi lo đem theo còn là nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, dịch vụ sinh hoạt khác...
Dù đã biết kết quả đỗ đại học từ tháng 8 nhưng đến ngày nhập học, bạn Đỗ Quỳnh Anh (Tuyên Quang) hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, vẫn đang ở nhờ nhà người quen cách trường 15km vì chưa tìm được phòng trọ gần trường.
"Suốt cả tuần nay, ngày nào tôi cũng bắt vài chặng xe bus để đến gần trường tìm phòng trọ, chủ yếu là ở khu Thanh Xuân, Khuất Duy Tiến, Thượng Đình... Nhiều nhà còn phòng nhưng chỗ thì giá quá cao so với mức chi trả của tôi, chỗ giá "mềm hơn" một chút nhưng khi vào thì phòng có vẻ ẩm thấp nên tôi rất đau đầu về việc tìm trọ”, Quỳnh Anh cho hay.
May mắn hơn Quỳnh Anh, bạn Dương Hoàng Phúc (Bắc Ninh), sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội đã tìm được phòng trọ cách trường 700m, nhưng bắt đầu phải đối mặt với việc cân đối chi tiêu. Phúc cho biết khi ở nhà em có bố mẹ hỗ trợ nên việc tự trả tiền điện, tiền nước, tiền nhà là lần đầu tiên em tự làm. Tuy nhiên khi ở một mình em cảm thấy cái gì cũng cần thiết nên mua sắm đồ đạc khá nhiều, mua về rồi có những thứ lại không dùng đến. Điều đó đã ngốn của em một khoản tiền kha khá cho tuần đầu tiên ở Hà Nội.
Bên cạnh những mối lo sinh hoạt hàng ngày, việc hòa nhập với môi trường đại học không phải là điều dễ dàng đối với tất cả sinh viên. Nhiều bạn có tâm lý e ngại không dám làm quen với bạn mới, môi trường mở khiến nhiều sinh viên cảm thấy bị ngợp, lạc lõng trong đám đông.
Theo anh Đinh Huỳnh Đức - chuyên viên tham vấn tâm lý phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần thuộc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TPHCM, đầu năm học là giai đoạn nhiều tân sinh viên tìm đến phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần để giải tỏa những trăn trở. “Các vấn đề chung của tân sinh viên thường là mất động lực trong cuộc sống, trong học tập, chuyện tình cảm, áp lực đồng trang lứa... Nhiều bạn trải qua giai đoạn trầm cảm, lo âu nhưng không biết cách nhận diện nó, tự chữa lành hay tìm sự trợ giúp làm ảnh hưởng đến việc học cũng như trong sinh hoạt” - anh Đức cho biết.
Theo anh Đức, việc giáo dục tâm lý để các bạn nhận thức được vấn đề của bản thân đang trải qua rất quan trọng. Thời gian đầu, đối với các tân sinh viên rất khó khăn khi phải xa gia đình, thay đổi môi trường một cách đột ngột. Tệ hơn nữa, nếu tân sinh viên không có kỹ năng thiết lập mối quan hệ thì các bạn sẽ chỉ có một mình, ngày càng rơi vào trạng thái bế tắc, cô đơn và có dấu hiệu trầm cảm.
Có thể thấy tân sinh viên sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, bên cạnh những áp lực cuộc sống phải tự lo thì còn có áp lực trong việc học tập. Cách học ở đại học rất khác so với khi học ở phổ thông. Nếu cứ mang tư tưởng cũ của một học sinh trung học, tiếp thu bài vở như thời học phổ thông, cách ôn luyện cũng chẳng khác biệt để rồi sau một học kỳ kết quả lại không như mong muốn. Thật vậy, các bạn sinh viên năm nhất cần tìm ngay phương pháp học tập và ôn luyện hiệu quả ngay từ đầu, tránh nhất việc học lý thuyết, kiểu thuộc bài, nên vận dụng thực tiễn với những cách lý luận khoa học.
Cách nào để giải phóng áp lực?
Áp lực có thể trông thấy nhưng không hẳn không có cách để giải phóng áp lực cho tân sinh viên. Theo PGS.TS Lê Thị Minh Nguyệt - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Có 3 điều cần lưu ý đối với các bạn sinh viên năm nhất. Thứ nhất, các em phải xác định được mục tiêu và động cơ học tập đúng đắn. Thứ hai, các em cần xác định được phương pháp học tập ở đại học. Ngoài những kiến thức mà thầy cô giới thiệu, giảng dạy trên lớp, các em phải đào sâu suy nghĩ, tự học, tự nghiên cứu. Thứ ba, trong môi trường đại học các em phải luôn đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập.
Giảng đường là môi trường luôn ẩn chứa nhiều điều mới mẻ, bởi thế để không quá áp lực với những khó khăn các bạn sinh viên cần trang bị cho mình tâm lý vững vàng và tích lũy nhiều kỹ năng cần thiết, để giúp bản thân thoát khỏi tình trạng bất ổn này một cách nhanh chóng và dễ hòa nhập vào cuộc sống mới. Việc trang bị kỹ năng cần thiết các bạn có thể tìm hiểu trên mạng, chẳng hạn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập mối quan hệ để bản thân cảm thấy tự tin và xử lý những bất ổn trong cuộc sống mới được dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các bạn tân sinh viên nên tham gia vào các tổ chức đoàn hội, các câu lạc bộ và nhiều hoạt động ngoại khóa. Hãy chủ động đăng ký tham gia để hướng bản thân mình đến những hoạt động tích cực, có thêm nhiều người bạn tốt, cùng chia sẻ những khó khăn và từ đó sẽ vơi bớt cảm giác bỡ ngỡ, bơ vơ hay nỗi nhớ nhà.
Cố gắng thiết lập cho mình thời gian biểu hợp lý cho những việc trong ngày và xa hơn là trong suốt quãng thời thanh xuân gắn bó với giảng đường. Làm sao để cân bằng việc học trên lớp, giao lưu bạn bè, học các kỹ năng mềm, thiết lập nhiều mối quan hệ hữu ích và tích lũy trải nghiệm cuộc sống… để quãng đường sinh viên trôi qua một cách ý nghĩa và thành công nhất.