Lênh đênh ghe lúa thương hồ
Không chỉ chủ vựa buôn bán lúa gạo ở vùng dồng bằng sông Cửu Long, những ghe buôn lúa thương hồ cũng gặp khó khăn như chính nông dân vùng đất này.
Chợ lúa
Những ngày này, đi về vùng đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu cũng nghe người dân nói chuyện trồng lúa, bán lúa bởi giá của loại nông sản này tăng chóng mặt. Thậm chí với nhiều người trồng lúa cả đời người, đây còn là mức giá cao nhất mà họ từng biết. Và tại vùng Đồng Tháp Mười (nằm ở địa phận Long An, Đồng Tháp và một phần nhỏ Tiền Giang), vựa lúa lớn nhất cả nước, không khí vui mừng phấn khởi cũng len lỏi khắp nơi. Từ người trồng lúa cho tới các doanh nghiệp sơ chế, xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, những người buôn lúa (thương lái) lại không dễ dàng có được niềm vui này bởi nhiều lý do khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Thích, 51 tuổi, ngụ ở thị trấn Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, Long An), người 30 năm gắn bó với nghề thu mua lúa của nông dân cho biết giá lúa cao thì nông dân là người hưởng lợi đầu tiên. Còn với thương lái, do giá thay đổi liên tục khiến cho công việc mua bán khó khăn hơn, thậm chí có thể lỗ vốn nếu không nhanh chân. “Tôi làm lái lúa mấy chục năm rồi, khắp vùng Tân Hiệp, Tân Bình cho tới Thạnh Trị, Bình Hòa hay bên Sa Rài, Dinh Bà đều có mối quen cả. Nhưng mình chỉ mua lúa của bà con nông dân nghèo, gieo trồng nhỏ lẻ thôi. Những cánh đồng mẫu lớn thì người ta làm theo hợp đồng hết rồi. Từ lúc mua lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu hay thu hoạch đều có sẵn công ty họ làm cho, nông dân cũng được cho ứng vay tiền trước, khi nào bán lúa mới thanh toán trả nợ. Mình cũng là nông dân thôi, đâu có vốn ứng trước như công ty được. Hôm đầu tuần vợ chồng tôi mới về dưới Thạnh Trị mua hơn 30 tấn lúa của mấy người quen dưới đó. Họ gặt xong nhưng bị mấy thương lái của công ty ép giá vì lúa không đạt chuẩn. Mình mua về cho nhà máy xay sát ở bên Mộc Hóa họ chế biến gạo xuất khẩu. Đi về mất 4 ngày mà chỉ lãi có gần 5 triệu thôi. Giờ tiền vốn bỏ ra nhiều lắm nhưng tiền lãi thì không đáng bao nhiêu. Chủ yếu mình lấy công làm lời thôi. Hôm nay thì lên đợi ở kênh Maren này để chiều bốc lúa. Đợt này cũng mua được hơn 30 tấn”, anh Thích cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, ở ven bờ kênh Maren, một con kênh nhỏ nhưng thông với nhiều kênh khác ở vùng biên giới giáp ranh với Campuchia là nơi có nhiều ghe thường tìm tới thu mua lúa của nông dân. Kênh dài chừng 20km, đi qua địa bàn nhiều nơi của tỉnh Long An.
Theo đó, ghe buôn lúa thường từ phía sông Vàm Cỏ Tây chạy ngược lên kênh Maren, tuỳ theo các địa điểm hẹn trước mà dừng lại để bốc hàng, tạo thành những chợ lúa nhộn nhịp nhưng cũng chỉ tạm bợ. Bởi có thể họ sẽ chuyển địa điểm giao dịch sau ít ngày. Với nông dân, sau khi thu hoạch có thể đóng bao, dùng ghe vỏ lãi, bò kéo hay thuê người bốc vác ra ven kênh đợi những ghe này tới để mua bán.
Anh Phạm Văn Thuận, một người làm nghề bốc vác cho biết nhà anh ở phía gần chợ Maren (xã Thạnh Phú, Thạnh Hóa, Long An) nhưng từ sáng sớm đã theo mấy người trong xóm lên đây bốc lúa thuê. “Mỗi bao lúa này (nặng 30 kg) tôi được trả công một ngàn rưỡi. Làm bốc vác lúa lên ghe không những vất vả mà còn phải khéo léo nữa. Khoảng cách di chuyển từ trên bờ tới ghe chỉ 15m thôi nhưng mình có 5m di chuyển trên tấm ván khá bấp bênh. Nếu không khéo mà để bao lúa rơi xuống nước thì có thể ngã gãy tay chân và còn phải đền cho chủ nữa. Cả ngày tiền công chắc cũng được 400 - 500 ngàn đồng mà bao lúa giờ cũng gần bằng như vậy rồi”, anh Thuận kể.
Uống một cốc nước trà đá nghỉ lấy sức, anh Thuận bảo khu vực này đang có nhiều người gặt lúa nên ghe tập kết về đây từ vài hôm trước. Theo tính toán thì tới tuần sau vẫn còn lúa trong đồng đưa ra bán cho ghe thương hồ này. Thậm chí một vài người thuê đất trồng lúa bên Campuchia thu hoạch cũng mang về đây bán. Thời gian tới, có thể các ghe sẽ dừng ở phía kênh Trung Tâm cách đây mấy cây số vì lúa trên đó sắp thu hoạch được.
Trò chuyện với chúng tôi được vài phút, anh Thuận khoác thêm chiếc áo, đội cái mũ vải dài che kín cả khuôn mặt để tiếp tục công việc của mình. Dù chỉ có vỏn vẹn một ngàn rưỡi đồng tiền công nhưng anh cũng chỉ mất khoảng 3 phút đồng hồ để vác xong một bao lúa từ bờ xuống ghe, đổ vào khoang rồi quay lên. Tôi nghe loáng thoáng có tiếng người giục các anh bốc lúa nhanh vì nước đang lên, ghe chuẩn bị khởi hành cho kịp.
Ghe buôn lúa
Quay trở lại chiếc ghe của anh Thích đang đậu ven kênh chờ bạn hàng bốc lúa, chúng tôi thấy anh phàn nàn do lúa không đưa ra kịp nên phải lùi lại ngày mai, chậm một ngày theo tính toán. “Kênh ở đây nhỏ lắm, phải đợi thủy triều lên thì mới di chuyển được. Nếu nước xuống đi dễ bị mắc cạn khi chở đầy ghe lắm. Hôm trước bên kia nói trước 10 giờ sẽ đưa hết lúa ra nhưng bây giờ đã hơn 12 giờ mà họ vẫn chưa làm xong”, anh Thích buồn buồn giải thích.
Theo quan sát của chúng tôi, chiếc ghe của anh Thích dài chừng 20m, rộng khoảng 5m có gắn mui gỗ, cũng là nơi sinh sống của vợ chồng anh. Đằng sau ghe có cả bếp ga, thùng phi nước để nấu ăn, quần áo treo kín phía mạn trái. Cũng như nhiều ghe làm nghề thương hồ khác, những ghe lúa cũng lênh đênh khắp các sông ngòi, kênh rạch của vùng đồng bằng sông nước. Chỉ có điều, ở vùng biên giới Đồng Tháp Mười, hiện nay còn khá ít ghe thương hồ đi thu mua lúa của nông dân. Bởi hầu hết các cánh đồng đều có đường bộ, giúp cho phương tiện xe tải có thể dễ dàng lưu thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít những địa điểm, chủ yếu là vùng biên giới giáp ranh Campuchia, với một vài đặc thù còn sót lại từ xa xưa khiến cho việc vận chuyển, buôn bán bằng ghe thuyền có ưu điểm hơn. Đó cũng chính là sinh kế và cuộc sống của các ghe lúa thương hồ như gia đình anh Thích.
Dẫn chúng tôi đi trên mạn tham quan chiếc ghe, anh Thích bảo mấy năm trước anh vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng cùng với số tiền dành dùm trước đó để mua chiếc ghe gỗ này. “Trước đó tôi có chiếc ghe nhỏ mua góp với mấy đứa em bên vợ để làm chung. Mấy anh em vừa là chủ vừa là công nhân bốc vác. Nơi nào gọi điện thì mình tới mua lúa, bốc vác từ dưới ruộng lên ghe và khi tới nhà máy thì bốc từ dưới ghe lên bờ. Công việc vất vả lắm nhưng cũng có thu nhập. Sau đó bà xã tôi bảo con cái lớn hết rồi, mua cái ghe nhỏ hai vợ chồng đi lấy lúa và ở luôn cho tiện. Phải tới đầu năm nay mới trả hết tiền cho ngân hàng”, anh Thích tự hào kể.
Nhưng không chỉ có ven kênh Maren, những ngày này, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, dòng sông chảy cắt đôi vựa lúa Đồng Tháp Mười thi thoảng người ta vẫn bắt gặp các ghe chất đầy lúa từ sâu trong đồng biên giới đi ra. Rồi những kênh lớn như Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp hay kênh 79 cũng có khá nhiều ghe thuyền buôn lúa. Những chiếc ghe này sau đó sẽ men theo các kênh rạch để về Tân An, Cai Lậy, Cái Bè… nơi có các vựa xay sát, buôn bán lúa lớn. Có lẽ, dù không còn tấp nập, nhộn nhịp và nhiều như vài chục năm về trước nhưng những ghe lúa đang chậm rãi chạy trên những dòng nước ở đây vẫn là những ghe thương hồ cuối cùng còn sót lại của vùng đất này. Bởi có thể một thời gian tới, những công nghệ tiện ích hơn sẽ thay thế những chiếc ghe lặng lẽ dưới dòng sông kênh kia.