Ký ức của cô học trò lười
Tuổi học trò đi qua với biết bao kỷ niệm. Tôi thấy mình thật may mắn khi được là học trò của cô, dù chỉ trong một năm học. Cô không chỉ dạy kiến thức môn toán mà còn là người làm cho tôi bớt đi nỗi sợ hãi với môn học nổi tiếng khô cứng ấy.
Cô là giáo viên chủ nhiệm và dạy luôn môn toán năm tôi bước vào lớp 6. Tôi nghe bọn bạn kháo nhau, cô là người khó tính và rất nghiêm khắc, trong khi tôi thì chẳng có tí năng khiếu nào về môn toán. Nói theo cách văn vẻ thì tư duy toán học của tôi chậm chạp, lại kèm thêm bệnh “lười” nên bài giảng của cô giáo cứ vào tai bên này lại chạy tọt sang tai bên kia, mặc dù cô giảng khá chậm rãi.
Sau mỗi buổi học cô đều hỏi lại xem có ai chưa hiểu bài và cần cô giảng thêm những chỗ khó nữa không nhưng tôi vốn ghét cay ghét đắng môn toán nên chỉ mong chóng hết giờ còn phóng ra sân chơi cùng lũ bạn nên chẳng bao giờ muốn ở lại để hỏi thêm cho rõ. Vì thế bài giảng của cô trôi qua đầu tôi tuốt luốt, càng ngày tôi càng thấy môn toán quả là kinh khủng. Những con số và hình vẽ hệt như con rối khiến tôi không sao nắm bắt được. Chao ôi nó thật sự quá phức tạp và khó hiểu. Giờ toán đến tôi chỉ muốn đánh bài chuồn, nhất là khi cô kiểm tra bài cũ. Nhưng vì cô biết thừa từng đứa lại biết luôn cả vị trí chỗ ngồi nên có trốn cũng khó lòng thoát nên tôi chả dám, đành ngồi yên học.
Chỉ sau vài tuần bắt đầu năm học mới, cô đã nắm được sức học của từng trò trong lớp, bởi thế trong giờ sinh hoạt cuối tuần, tôi là một trong những đứa được cô “ưu ái” nhắc nhở nên cố gắng. Những bài tập trên lớp cũng như về nhà, tôi nghĩ ra cách đối phó với cô bằng việc nhòm bài đã làm của cái Hà ngồi bên cạnh. Buổi tối dù gió rét hay mưa phùn tôi cũng cố chạy sang nhà nó chép bài tập về nhà xong mới chạy về chui vào chăn ấm.
Và tôi yên trí với cách mình làm như thế, cho đến một ngày…
Thông thường cô luôn mở đầu tiết học bằng việc kiểm tra bài cũ. Khi cô gọi những đứa giơ tay thì khỏi nói làm gì, tôi thở phào nhẹ nhõm còn những khi cô gọi tên theo sổ điểm thì ôi thôi, tim tôi cứ đánh liên hồi kỳ trận, nó cứ như muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Đấy thật sự là cơn ác mộng với tôi. Tôi cố ngồi thu mình lại và nép sát vào cái Hà như thể làm vậy cô sẽ không nhìn thấy.
Nhưng thôi rồi, buổi học hôm ấy cô mở sổ điểm và dõng dạc gọi đúng tên tôi. Tôi thì ngồi im giả vờ đang soạn lại sách vở và không nghe thấy. Cái Hà phải huých nhẹ khuỷu tay ra hiệu cho tôi đứng dậy đi lên bảng. Tôi run lập cập mãi chả tìm thấy dép để đi, đến nỗi nó phải đẩy đôi dép của mình vào chân tôi. Tai tôi bùng nhùng nghe không rõ lời cô hỏi, hình như cô yêu cầu tôi giải bài tập hôm trước cô cho về nhà làm. Bài này tối qua tôi có chép của cái Hà rồi nhưng khốn nỗi cái đầu tôi giờ quên sạch bách, tôi muốn quay xuống cầu cứu hy vọng nó nhắc cho cách làm nhưng cô giáo đứng ngay bên cạnh nên chả dám nhúc nhích.
Cái bảng đen và những con số trong đề toán như nhảy múa trước mặt tôi, chân tay tôi trở nên thừa thãi chẳng biết làm gì, viên phấn rơi xuống đất lúc nào chẳng rõ. Mặt mũi tôi ê đi khi nghe tiếng cười của lũ bạn bên dưới. Tôi bật khóc nức nở vì sợ hãi và xấu hổ. Thôi chắc chắn phen này mình sẽ được xơi quả trứng to tướng và còn được ghi tên vào sổ đầu bài rồi.
Thế mà lúc ấy, tôi cũng chẳng hiểu vì sao cô lại không quát mắng hay giận dữ, cô chỉ nhìn tôi buồn bã nói em nên tập trung vào bài cô giảng, nếu có gì không hiểu có thể hỏi lại để cô giảng kỹ hơn chứ không nên giấu dốt. Hôm ấy cô cho tôi khất điểm, hẹn buổi sau sẽ lấy tinh thần xung phong, “ghi công chuộc lỗi”.
Tôi về chỗ ngồi trong sự ngượng ngùng và ân hận khó tả. Lúc lấy vở ra viết bài mới, lòng tôi thầm nghĩ chắc chắn mình phải xem lại bản thân, bớt đi chơi rông cùng lũ bạn hàng xóm để buổi sau cố gắng lên bảng trả bài cô cho khất hôm nay. Cuối buổi học hôm ấy, cô gọi tôi ở lại hỏi han và bảo tôi buổi tối mang sách đến nhà cô để cô giảng lại những bài chưa hiểu.
Giọng cô ấm áp và thật hiền khiến cho tôi vơi đi nỗi sợ hãi, cô còn tặng cho tôi một cây bút chì mới để vẽ hình cho dễ và đẹp nữa. Cứ thế, mỗi buổi tối cô kiên nhẫn giảng đi giảng lại cho tôi bằng hiểu những công thức toán học đầy rắc rối. Nhờ sự ân cần ấy, một thời gian sau đó tôi đã không còn thấy môn toán quá đáng sợ như trước, tôi cũng không còn phải chờ cái Hà cho chép bài nữa. Từ một đứa dốt đặc môn toán tôi đã trở thành một học sinh khá, thường xuyên giơ tay lên bảng làm bài tập và hăng hái phát biểu xây dựng bài, đôi lúc còn được cô giáo khen trước lớp.
Những năm học sau đó, cô giáo tôi đã chuyển sang trường khác, tôi cũng đã được học nhiều những thầy cô khác dạy môn toán, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn luôn nhớ đến lần lên bảng trả bài hôm ấy và nhớ đến cô, người mang tấm lòng của mẹ hiền dìu dắt khiến tôi tự tin trước môn học đầy khó khăn. Dù sau này tôi không phải là một học trò giỏi toán nhưng tôi đã biết chăm chỉ học hỏi, không còn giấu giếm việc mình chưa hiểu bài. Điều ấy đã giúp tôi không còn là đứa học trò lười nhác và dốt nát nữa. Trong tôi, cô là một người thân yêu như ruột thịt.