Sân khấu vẫn sáng đèn từ… quá khứ
Những vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ vừa được các nhà hát dàn dựng lại và biểu diễn đã thu hút một lượng lớn khán giả. Trái lại với các vở mới hay các kỳ cuộc liên hoan được tổ chức đều đặn thời gian gần đây lại vắng bóng người xem. Thực trạng sân khấu hôm nay chỉ sáng đèn bằng những tác phẩm từ quá khứ hoặc bằng những tác phẩm nhập ngoại là điều mà cơ quan quản lý và người làm nghề cần lưu tâm.
Kịch bản hay thì mới có tác phẩm hay
Hàng năm các liên hoan, cuộc thi vẫn được tổ chức đều đặn, huy chương ngày càng nhiều nhưng số vở diễn bán vé khiến khán giả bỏ tiền đi xem có lẽ vẫn là quá ít. Cần nhìn lại khoảng thời gian những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta từng có thời kỳ hoàng kim của sân khấu với những tên tuổi tác giả như Tào Mạt, Trần Đình Ngôn, Lưu Quang Vũ... Những kịch bản của họ cho đến ngày nay vẫn mang được giá trị và hơi thở của thời đại.
Đáng lưu ý là những kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được các nhà hát dàn dựng, biểu diễn đã thu hút một lượng lớn khán giả. Vì vậy, câu hỏi đặt ra tại sao những tác phẩm được viết cách đây nhiều thập niên vẫn hấp dẫn và mang tính thời sự?
Theo phân tích của NSND Trần Ngọc Giàu: “Sân khấu thời Lưu Quang Vũ đặt ra nhiều vấn đề xã hội, mang tính dự báo và gai góc. Đến bây giờ những tác phẩm của anh vẫn mang tính thời sự, có sức hút đặc biệt với khán giả. Còn sân khấu đương đại đang gặp nhiều khó khăn, vắng bóng người xem, không chỉ vì cạnh tranh với các phương tiện truyền thông. Khi đất nước mở cửa, các vấn đề đời sống được mạng xã hội đưa tin nhanh hơn các vấn đề sân khấu đặt ra. Sân khấu chỉ chạy theo bề mặt, hiện tượng nên tự diệt mình trước”.
Mặt khác, sự thiếu vắng kịch bản mới đã dẫn đến thực trạng nhiều nhà hát “nhập khẩu” kịch bản nước ngoài. Thời gian qua, tại TPHCM có khoảng 12 sân khấu xã hội hóa thì tỷ lệ diễn tuồng tích nước ngoài lên đến 70-80%. Các vở cải lương, tuồng cổ như: “Mão đoan tinh giáng thế”, “Sóng gió Đại Minh triều”, “Hoàn Châu cách cách”... đều là những kịch bản về lịch sử hay truyền thuyết dân gian nước ngoài. Với âm nhạc rộn ràng, trang phục bắt mắt, những kịch bản này được các đạo diễn cho rằng có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả.
Trong khi đó, khán giả đặc biệt mong đợi những đề tài về đại dịch Covid-19, về những đại án nhưng đáp lại vẫn chỉ là một khoảng trống. Không chỉ ở phía khán giả, việc thiếu vắng những kịch bản mang hơi thở của thời đại là điều bấy lâu nay những người làm sân khấu đau đáu. Mặc dù hiện nay, nhiều tác giả viết kịch bản đạt giải cao ở các cuộc thi nhưng để dàn dựng thành vở diễn lại là một hành trình đầy gian nan. Do đó, nhiều khi các kịch bản sân khấu rơi vào tình trạng “nằm trong ngăn kéo”, còn các đơn vị vẫn rất khát khao tiếp cận được những kịch bản hay, giàu ý tưởng mới mẻ, hấp dẫn, có đủ tố chất trở thành vở diễn thu hút công chúng.
Là đơn vị nghệ thuật của Thủ đô dàn dựng nhiều vở diễn về đề tài hiện đại, NSND Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng: "Trong những năm gần đây, lựa chọn kịch bản dường như đã trở thành việc khó, một trở ngại lớn đối với nhiều đơn vị nghệ thuật. Hằng năm, Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được không ít kịch bản, nhưng rất khó để lựa chọn được một kịch bản phù hợp để đưa vào dàn dựng”.
Trong đó, ở mảng chủ đề hiện đại, theo nghệ sĩ Trung Hiếu, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn mong muốn phản ánh trực diện những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại; theo đuổi những đề tài đi sâu khai thác tâm lý, nỗi trăn trở, khát khao, những ước mơ hoài bão cũng như những toan tính, nỗi khổ đau của con người trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại.
Việc tiếp cận và thể hiện những chủ đề ấy cần tính chân thực nhưng không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn, của niềm lạc quan và khát vọng. Đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ gửi đến Nhà hát Kịch Hà Nội, họ có cách tiếp cận rất trực diện, cái nhìn trẻ trung, mới mẻ, hiện đại, cách đặt vấn đề rất thú vị. Tuy vậy, những kịch bản ấy vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như: Tính cách nhân vật được xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp chưa rõ ràng...
Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều có chung nhận định, số lượng kịch bản do các tác giả gửi đến nhiều nhưng thật khó khăn để lựa chọn kịch bản hay. Hiện tại, hầu như các đơn vị đều huy động các nghệ sĩ tìm tòi để có được những kịch bản phù hợp với phong cách, yêu cầu của đơn vị mình. Nhưng rất khó để lựa chọn vì kịch bản vốn là một thể loại khó nhất của văn học. Đội ngũ các nhà viết kịch dường như ngày càng mỏng hơn, người viết có uy tín ngày càng ít đi. Chưa kể, người thẩm định thì có cảm nhận riêng, người thích, người không thích tuỳ thuộc vào cá nhân. Bên cạnh đó ít đơn vị dám mạo hiểm khi nhận kịch bản chưa được sự ủng hộ của số đông bởi đó là công sức của cả một tập thể...
Nhìn nhận về thực trạng thiếu kịch bản mới của sân khấu hiện nay, NSND Lê Tiến Thọ nêu quan điểm: Nếu chúng ta không có được đội ngũ tác giả kịch bản hay thì sẽ không có được bàn tay đạo diễn nào làm cho nó hay được. Các tác giả trước hết cần bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khán giả để sáng tác, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.
Đồng thời các đơn vị chỉ đạo nghệ thuật cần có cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng và xử lý một cách tinh tế, linh hoạt trên sân khấu biểu diễn. Chúng ta cần có cái nhìn như thời của Lưu Quang Vũ. Cần phải can đảm nhận và dựng những kịch bản nóng để có được tác phẩm phục vụ nhân dân. Hiện nay sân khấu vẫn nằm trong “vùng an toàn” nên sân khấu mới không tìm ra được đối tượng tác giả.
Thấy gì từ những kỳ cuộc liên hoan?
Sau thời gian vắng lặng vì dịch bệnh Covid-19, đời sống sân khấu bắt đầu khởi động lại với sự xuất hiện của những cuộc liên hoan, cuộc thi trên toàn quốc. Gần đây nhất là Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 (từ ngày 20/5 - 1/6/2023) tại Hà Nam. Liên hoan thu hút sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ đến từ 32 đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và các đơn vị hoạt động theo mô hình xã hội hóa.
Khán giả theo dõi liên hoan đã có cơ hội được thưởng thức 106 trích đoạn ở các thể loại: Tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc… Kết thúc liên hoan, 54 huy chương vàng, 60 huy chương bạc đã được trao cho các nghệ sĩ. Trước đó là những sự kiện: Liên hoan chèo toàn quốc (tháng 10/2022); Liên hoan cải lương toàn quốc (tháng 11/2022); Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V (từ ngày 15/11 - 26/11/2022)...
Có thể thấy không khí của đời sống sân khấu đã sôi động trở lại khi có tới hàng chục cuộc thi, liên hoan nối tiếp nhau trong khoảng thời gian chưa đến 1 năm.
Điều này có thể lý giải bởi một phần nguyên nhân do Covid-19 nên các cuộc liên hoan bị dồn lại tổ chức cùng thời điểm. Sau các cuộc liên hoan, có thể ghi nhận rằng mặc dù lâu nay, sân khấu truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại nhưng các nghệ sĩ vẫn nỗ lực vượt khó để duy trì ngọn lửa nghề, không ngừng sáng tạo và đổi mới để thu hút nguồn nhân lực trẻ.
Tuy nhiên, cũng từ những cuộc thi, liên hoan sân khấu này có thể thấy được nhiều vấn đề còn tồn tại của sân khấu hiện nay. Mặc dù các vở diễn truyền thống luôn là một kho báu quý giá nhưng nếu cứ diễn đi diễn lại những vở đó thì có lẽ không còn phù hợp với phần đông khán giả trẻ.
Việc có tới 6 trích đoạn "Đôi lứa xứng đôi" (chuyển thể từ tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao) xuất hiện tại "Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc" cho thấy sự trùng lặp trong ý tưởng. Điều này cũng xảy ra ở nhiều loại hình sân khấu. Hầu hết các sân khấu vẫn thiếu vắng những tác phẩm đề cập những vấn đề đương đại, những câu chuyện "nóng", dư luận quan tâm và có tác động nhiều mặt tới đời sống xã hội. Bởi vậy nguồn kịch bản vẫn luôn là vấn đề lớn của sân khấu hiện nay.
Thu hút thế hệ trẻ cho sân khấu
Thực trạng sân khấu hôm nay chỉ sáng đèn bằng những tác phẩm của quá khứ hoặc bằng những “sắc màu” của nền văn hóa khác là điều đáng quan tâm của cơ quan quản lý và người làm nghề. Nhưng bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác của sân khấu đó là việc đào tạo nguồn nhân lực và thu hút lớp khán giả kế cận.
Chúng ta có một nền sân khấu đa dạng thể loại: Chèo, tuồng, cải lương, hát bội, hát văn, hát xẩm, kịch hát, xiếc, kịch nói... mỗi loại hình đều để lại những dấu ấn đặc biệt về vở diễn, gương mặt các nghệ sĩ. Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng 51/63 tỉnh thành với Trung ương có đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu công lập.
Trên cơ sở đó, số lượng nhân lực của nghệ thuật sân khấu Việt Nam lên tới hơn 3.000 người. Tuy nhiên, số nhân lực chất lượng cao lại hiếm hoi. Bên cạnh đó, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6% và từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%.
Ở một số đơn vị, chẳng hạn như Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%.
Soi chiếu vào các đơn vị kịch hát dân tộc nước ta hiện nay, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội không khỏi lo lắng trước thực trạng của lực lượng nghệ sĩ biểu diễn. Ông cho rằng: "Nhóm các nghệ sĩ có thâm niên, tài năng thì đã phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca. Còn đội ngũ diễn viên trẻ thường chiếm số lượng ít lại không đủ năng lực để thể hiện tròn vai các hình tượng sân khấu. Lực lượng biểu diễn vừa thiếu, vừa yếu cho nên nhiều vở phải chấp nhận tình trạng “cưa sừng làm nghé”, để các diễn viên trên dưới 40 tuổi đảm nhận vai diễn... tuổi 20”.
Vấn đề đặt ra là khi thiếu kịch bản hay dẫn đến số lượng khán giả không còn mặn mà với sân khấu, bởi thế mà người nghệ sĩ cũng khó sống với nghề. Theo đạo diễn Hoàng Thanh Du, rất khó có các tác phẩm sân khấu đúng nghĩa với tiêu chí mục đích của nghệ thuật sân khấu đã có để kéo người xem đến rạp... Và khi rạp vắng người xem thì nghệ sĩ biểu gạo cội cũng rất khó sống với nghề. Bởi thế mà nhiều nghệ sĩ phải làm các nghề “tay trái” để mưu sinh... Các nghệ sĩ, diễn viên giỏi còn như vậy, thử hỏi những tài năng trẻ sao lại rất thiếu vắng?
Thực vậy, nơi đào tạo lực lượng chủ chốt của sân khấu là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh nhiều năm nay tuyển sinh được rất ít sinh viên. Các trại sáng tác được tổ chức hàng năm bởi các hội nghề nghiệp chưa đủ để quy tụ và chắp cánh cho tài năng. Đầu ra của nghề biên kịch còn rất bấp bênh, không đủ sức giữ chân người tài... Đây là những điểm nghẽn của sân khấu cần phải có phương án giải quyết.
Giải quyết bài toán nguồn nhân lực đã khó, sân khấu còn phải tích cực xây dựng lớp khán giả trẻ. Nhận thấy tầm quan trọng của lớp khán giả kế cận, một số đơn vị nghệ thuật đã tìm đối tượng là học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học để xây dựng lớp khán giả mới. Những khán giả trẻ có hiểu, có yêu thì sân khấu mới không bị mai một. Tín hiệu đáng mừng là gần đây nhiều nhà hát đã tích cực trở lại với hoạt động này.
Tuy nhiên hiện nay, ở Hà Nội, sân khấu học đường, ngoài việc đến trường tiếp cận học sinh thì các nhà hát mới chỉ dàn dựng kịch mục theo thời vụ, như các dịp hè, 1/6, chưa tạo được thói quen xem cho khán giả nhí. Tại sân khấu TPHCM, người làm sân khấu bắt đầu chú ý đến đối tượng thiếu nhi như sân khấu Minh Nhí, sân khấu Idecaf với những vở diễn cháy vé như “Ngày xửa ngày xưa” nhưng lại chưa tiếp cận được số đông.
Dù các nghệ sĩ dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sân khấu học đường, sẵn sàng nhận mức thù lao ít ỏi để giúp thể hệ trẻ tự hào hơn về văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhưng nhiều kịch mục muốn đưa vào biểu diễn trong nhà trường thì cần một khoản kinh phí nhất định, để dàn dựng âm thanh, ánh sáng…
“Sân khấu học đường là một hình thức để giáo dục trẻ con chứ không chỉ xem, thưởng thức. Đó là những giải pháp trong tương lai sân khấu nếu không có sự chung tay của toàn xã hội rất khó. Phải vừa đào tạo công chúng mới, vừa nâng cao chất lượng của từng vở diễn để thu hút khán giả”, NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định.
NSND Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Tạo điều kiện cho những cây bút trẻ sáng tạo
Kịch bản là kết tinh, là tinh hoa sáng tạo của nhà văn, nhà viết kịch. Mỗi thể loại kịch hướng tới những đối tượng khán giả ở các độ tuổi khác nhau, tính đặc thù riêng biệt rất cao. Để có được một kịch bản chính kịch tốt cần một ngòi bút “lão luyện”, sắc sảo, am hiểu cuộc sống - văn hoá - lịch sử. Đối với kịch bản dành cho thiếu nhi hay kịch bản hài kịch dành cho người trưởng thành, đều có những tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau.
Tuy nhiên phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ thế hệ người Việt mất đi văn hóa đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản hiện nay. Các ngòi bút trẻ có sự tập trung tới những đề tài đương đại, tuy vậy các tác phẩm thường mắc phải những hạn chế như: Hình tượng nhân vật xây dựng không tiêu biểu, tinh thần và nội dung truyền tải chưa rõ ràng nổi bật, tính cách nhân vật xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ sài… Điều này dẫn đến nhiều tác phẩm mang tính đương đại nhưng khó đưa vào dàn dựng.
Để có được những tinh hoa từ ngòi bút là cả sự lắng đọng của chiều sâu, bề rộng của tri thức và nhận thức xã hội. Muốn làm được điều đó, cần có sự định hướng và nâng cao văn hóa đọc của thế hệ người Việt trẻ; tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy sáng tạo bởi chính họ sẽ là nhân tố chủ lực viết nên những kịch bản phản ánh đời sống hiện thực của xã hội Việt Nam đương đại. Những kịch bản có đề tài hiện đại thường phản ánh chân thực cuộc sống và vấn đề còn nhức nhối, nóng hổi trong xã hội.
Chính vì vậy, để có được những tác phẩm mang tính hiện đại và mang hơi thở của cuộc sống ngày nay, chúng ta cần có một kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực dài hơi. Đồng thời, cần có Hội đồng nghệ thuật cấp đơn vị để kịp thời định hướng, đào tạo, giúp đỡ và cùng xây dựng những kịch bản mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đương đại của khán giả nhưng vẫn đi đúng theo phong cách và định hướng nghệ thuật của đơn vị. Khi tiếp cận, dàn dựng, ban lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng, xử lý một cách tinh tế, linh hoạt trên sân khấu biểu diễn.
TS Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Sân khấu phải đổi mới để cạnh tranh
Để tồn tại và phát triển, sân khấu Việt Nam cần phải tự đổi mới mình trên mọi phương diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi kèm với sự hoàn thiện, đổi mới các chính sách mang tính đặc thù riêng để mở hướng hoạt động phù hợp cho các nghệ sĩ, để các nghệ sĩ không bị nặng gánh, yên tâm giữ lửa nhiệt huyết để hoàn thành sứ mệnh giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của cha ông để lại, góp phần để sân khấu Việt Nam trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Bước sang kỷ nguyên mới, hiện thực mới, vấn đề mới đi kèm với chuẩn mực giá trị mới đã làm cho những thể tài cũ không còn phù hợp. Do đó, các nghệ sĩ phải tìm được những hình thức nghệ thuật mới, sáng tác kịch bản đa dạng, sinh động trong việc phản ánh hiện thực đương đại; cách dàn dựng sáng tạo, theo kịp xu hướng phát triển của thời đại và nhu cầu của khán giả. Phương thức hoạt động nhằm tiếp cận khán giả cũng đòi hỏi sân khấu Việt Nam phải thay đổi để cạnh tranh, tự chủ được trên thị trường.
Sân khấu Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nguồn nhân lực sân khấu Việt Nam cần phải không ngừng phát huy tài năng, nâng cao về chất lượng. Cùng với tài năng, nguồn nhân lực sân khấu còn phải có bản lĩnh vững vàng, am hiểu giá trị văn hóa dân tộc không ngừng học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc khác; vận dụng sáng tạo trong thực tiễn nghề nghiệp.
Bên cạnh đó cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các chính sách nghệ thuật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý mang tính đặc thù cho nghệ thuật sân khấu hoạt động tự chủ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách thuận lợi. Vì thể chế và chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước luôn luôn là những điều kiện cấp thiết có tính quyết định đối với việc giải quyết nhu cầu và năng lực của sáng tạo văn hóa.