Con đường thơ - nhạc hướng đến trái tim
Tôi được gặp gỡ và làm việc với nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng khi còn là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân thực hiện phim tài liệu chân dung về nhạc sĩ Đoàn Bổng.
Thưởng thức những sáng tác nổi tiếng: “Hát về Người”, “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh”, “Về Hà Tây đi em”, “Mẹ tôi”, “Hà Nội của tôi”, “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Có một mùa thu”, “Câu hát gọi xuân về”, “Đêm sông Cầu”… của nhạc sĩ Đoàn Bổng, người ta cảm nhận được chất nghệ sĩ xứ Đoài đậm đặc nơi ông.
Rất mềm mại thanh thoát nhưng cũng rất nguyên tắc, cứng rắn trong nhận định các tác phẩm âm nhạc, thơ ca. Ông luôn tận tình và tận tụy trên cương vị phụ trách chương trình của Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam nhiều năm.
Ở cương vị ấy, nếu không công tâm và dứt khoát, không có tấm lòng biết trân trọng người tài và trái tim ấm nóng, sẽ rất khó tìm và sản xuất chương trình từ các tác phẩm có chất lượng và bản sắc, giàu cá tính của các văn nghệ sĩ. Chuyện về nghề thật khó nói hết bởi tôi và ông cách nhau một thế hệ (30 năm). Song, điều tôi cảm nhận rõ nhất ở nhạc sĩ Đoàn Bổng chính là sự công tâm và quyết liệt trong sáng tác và công tác.
Tôi từng cảm thấy rất thú vị khi xem một chương trình trò chuyện về văn học nghệ thuật, nhất là về các bài hát của ông trên Đài Truyền hình Hưng Yên do nhà báo Công Đán dẫn chương trình. Công Đán cũng là một ca độc đáo của văn nghệ sĩ Hưng Yên. Anh làm giám đốc Đài nhẹ nhàng mà dẫn chương trình cũng nhẹ nhàng thanh thoát lắm. Cứ xem cách anh trò chuyện với các nhà văn nhà thơ lừng danh như: Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Hoàng Nhuận Cầm… vừa tự nhiên thoải mái, cùng bình luận về những vấn đề lớn, những dự báo lớn, những chuyển động dữ dội của đời sống xã hội trong thơ văn một cách sòng phẳng đã cho thấy bản lĩnh của một nhà báo mang trái tim nghệ sĩ.
Bởi vậy, với một người hiểu biết rộng và đầy cá tính như nhạc sĩ Đoàn Bổng, tôi thấy rất mừng khi nghe những câu hỏi, sự dẫn dắt tươi tắn, nhuần nhụy, sâu sắc có đôi phần hiểm hóc của Công Đán và càng mừng hơn sự chia sẻ trung thực, khách quan nhưng hết sức dí dỏm về văn học nghệ thuật, nhất là thơ và nhạc là hai lĩnh vực mà Đoàn Bổng đã chuyên tâm mấy chục năm.
Kể từ ngày làm phim về Đoàn Bổng tới nay 20 năm không gặp ông nhưng vẫn luôn nghe các bài hát của ông. Hôm gia đình tôi đi Phú Yên vẫn mở nghe những bài hát về Hà Tây tuyệt hay trong đó có nhiều bài của nhạc sĩ Đoàn Bổng.
Chúng tôi nghe hát trong nắng biển Phú Yên. Tôi bỗng cảm nhận được từng ý thơ trong lời bài hát của Đoàn Bổng và càng nhận thấy cá tính khác người của ông, chất kẻ sĩ xứ Đoài của người con họ Đoàn năm nay đã bước vào tuổi 80.
Đoàn Bổng còn có trong tay một gia tài thơ đầy đặn. Thơ ông không lẫn với ai. Trung thực với chính mình. Độc lập với thiên hạ. Trái tim thiết tha phập phồng quyết liệt. Tình ý lúc nào cũng chan chứa mà vẫn mực thước. Lý trí đến tận cùng mà những ngân rung cũng muôn nẻo khơi xa… Thơ Đoàn Bổng thật đúng là khí chất không lẫn vào đâu.
Chỉ có Đoàn Bổng mới tự nhận mình:
“Đoàn Bổng
Nguyễn Cường
Dương Thụ
Trần Tiến
Phú Quang
Năm cây bút vàng
Càng mài càng sáng
Gốc từ núi Tản
Nguồn cội Hà Tây
Năm cây bút này
Tràn đầy nhựa sống”
(Năm cây bút vàng)
Giọng thơ mộc mạc mà ngạo nghễ nhưng nào ta có động đến ai. Ta chỉ nói về chính mình, những người bạn đã thành danh, tác phẩm đã ngấm vào mạch máu tâm hồn của nhân dân, đất nước.
Với giọng điệu như thế, với tâm thế: “Hãy nhìn đời bằng trái tim nhân hậu/ Vừa bắt được tầm gần, vừa với được tầm xa” (Nhìn đời); "Trên đời chẳng thể gì hơn/ Tiếng thơm giữ lại, tiếng thơm để đời” (Suy ngẫm); “Khi đi chơi với bạn/ Chức sắc cất ở nhà” (Nhắc nhở);… đã đặc sệt một Đoàn Bổng thẳng thắn.
Thơ tình Đoàn Bổng rất nhất quán với tính cách của ông. Ông lương thiện và khác biệt trong tình yêu: “Thân thể em đâu phải là xác thịt/ Tấm ngọc ngà cha mẹ sinh ra/ Mắt quỷ dữ nhìn em: con mồi ngon trần trụi/ Ta nhìn em: thánh thiện, kiêu sa” (Hai cách nhìn).
Thơ tình Đoàn Bổng còn tuyên chiến với cái xấu cái ác và đứng về phía trượng phu: “Kẻ bệnh hoạn/ Ném rác rưởi vào tim đàn bà/ Bung ra nấm độc - Đấng sĩ phu/ Ủ trí tuệ trong tim đàn bà/ Sinh ra quý nhân” (Nhân và quả). Có không ít lúc, ông đóng vai như một trí tuệ của quan tòa phán định luôn cả việc thành bại trong tình yêu: "Khi chỉ có hai người/ Tình yêu thành bền vững/ Xen vào người thứ ba/ Tình yêu thành lủng củng - Xen một người đàn ông/ Tình yêu rồi tan vỡ/ Xen một người đàn bà/ Tình yêu thành dang dở" (Khi chỉ có hai người).
Tôi rất ngạc nhiên, trong một bài thơ đề mốc thời gian tháng 3 năm 2007, Đoàn Bổng đã sớm dự báo về thị trường nhan sắc với những tha hóa. Những cuộc thi hoa hậu gần đây với nhiều lình xình, cãi cọ trên truyền thông và mạng xã hội khiến chúng ta phải đau lòng về sự bát nháo của nó mới thấy được thơ của Đoàn Bổng đều rất thế sự, rất thời sự:
“Nhan sắc bày ra nhan nhản
Tha hồ kẻ bán người mua”
(Thị trường nhan sắc)
Đoàn Bổng có không ít bài viết về quê hương đất nước, cha mẹ, người thân, bạn hữu… song vẫn nhất quán một khí chất và giọng thơ riêng có. Vẫn là sự trung thực đến tận cùng: “Con viết/ Tặng mẹ những xuân qua - Biết mẹ sắp đi xa/ Con mở băng cát-sét/ Mẹ nằm nghe bài hát/ Xem ca sĩ hát hay" (Khi mẹ sắp đi xa). Sự trung thực trong thơ Đoàn Bổng luôn rất tự nhiên.
Chúng ta thấy rất rõ con đường tới trái tim của nhạc và thơ Đoàn Bổng là con đường không ít khúc khuỷu đòi hỏi những trái tim yêu phải đủ lớn, đủ dài rộng bao dung để bước qua. Nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng quả thực xứng danh một người con ưu tú xứ Đoài. Ông đã cống hiến tất thảy tài hoa và trí tuệ của mình cho âm nhạc, thi ca. Cũng chính thi ca và âm nhạc đã cùng ông mở ra những con đường tới trái tim để mãi mãi yêu thương và dâng hiến.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng sinh năm 1943 tại Thường Tín (Hà Tây cũ). Ông tốt nghiệp khoa Sáng tác âm nhạc Nhạc viện Hà Nội năm 1972. Năm 1976, ông được phân công làm cán bộ biên tập âm nhạc tại Phòng Ca nhạc - Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Từ đây, ông dành phần lớn thời gian cho sáng tác âm nhạc. Cho đến nay, Đoàn Bổng đã có trên 300 ca khúc trữ tình mà chủ đề chính là tình yêu.
Đoàn Bổng cũng là nhạc sĩ được ghi nhớ với những ca khúc giàu tình cảm về Bác Hồ như: “Từ làng Sen con hát tên Người”, “Hồ Chí Minh - ngọn cờ hòa bình”, “Hồ Chí Minh - nhà thơ không của riêng mình”, “Hát về Người”… Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhạc viện Rowen (Pháp) dàn dựng một chương trình ca nhạc đặc biệt gồm các tác phẩm âm nhạc Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đoàn Bổng là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có 3 ca khúc được chọn đưa vào chương trình. Đó là các bài: “Hà Nội của tôi”, “Hà Nội - những kỷ niệm trong tôi” và “Thành phố ngàn năm văn hiến”…
Đoàn Bổng còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, tiêu biểu là: Hòa tấu dàn nhạc dân tộc “Làm theo lời Bác”, Rondo “Cây tre Việt Nam”, Độc tấu đàn bầu “Miền Nam son sắc một lòng”…
Không chỉ sáng tác âm nhạc, Đoàn Bổng còn sáng tác thơ. Thơ của ông đã được giới thiệu trên những cuốn sách: “Đoàn Bổng - Nhạc và thơ” - NXB Hà Nội 1996, “Nốt nhạc buồn” - NXB Văn học 1998, “Em và đời” - NXB Hội Nhà văn 2002, “Tình yêu ơi” - NXB Thanh niên 2005.