Thói quen
Trong tất cả các sách “Học làm người” dù ở nước nào, các nhà Triết học và Tâm lý học đều quan tâm nhất đến việc hình thành các thói quen của con người.
Lúc mới sinh ra, sau tiếng khóc chào đời, ai cũng tốt đẹp và trong sạch. Cổ học phương Đông đã khẳng định: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (tạm dịch: Con người ta khi mới sinh ra ai cũng có bản chất lương thiện). Thế rồi năm tháng cứ trôi đi, “xuân, hạ, thu, đông” cứ đến rồi lại đi, hình thành ra trong xã hội có người hiền, có kẻ xấu ... Tất cả đều do thói quen mà hình thành và phát triển dần lên.
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Thói quen là lối, cách sống hay hoạt động đã thành quen, khó thay đổi, do lặp đi lặp lại lâu ngày. Thí dụ: Có thói quen dậy sớm. Thói quen nghề nghiệp”.
Theo “Từ điển Tâm lý” của Nguyễn Khắc Viện do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2007 thì: “Thói quen là một thái độ hay hành vi, do kinh nghiệm tạo nên, làm cho con người dễ ứng phó với một số tình huống; là một bộ phận ứng xử đã trở thành tự động; là một bộ phận vẫn có tính cách hữu ý. Thói quen có “quen nhờn” do lặp đi lặp lại (như quen với khí hậu), thao tác nghề nghiệp (chân tay và trí tuệ), thói quen cảm xúc, hành vi tự động (đi, đứng, ăn, uống, mặc...). Thói quen in sâu vào cách làm và suy nghĩ gọi là “nếp”.
Triết gia Đông phương cổ đại Khổng Tử (năm 551 đến năm 479 trước Công nguyên) đã khẳng định: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” (tạm dịch: Con người bản tính đều giống nhau, nhưng vì nhiễm phải các thói quen khác nhau mà thành ra khác nhau).
Có thể tạm thống kê những thói quen trái ngược nhau như sau:
Sạch sẽ - Mất vệ sinh, bẩn. Hiền lành - Dữ tợn, hung hãn. Nhẹ nhàng, êm ái - Đao to búa lớn, ồn ào. Từ tốn, khoan thai - Vội vã, hấp tấp, cuống cuồng ...
Ta thấy rõ tất cả những thói quen là “nhân”, còn các kết quả thu được là “quả”. Ta thường vẫn nói: “Nhân nào quả ấy”, hoặc “Gieo nhân tốt gặt hái được quả ngọt”, hoặc “Gieo gió, gặt bão”, hoặc “Cây xanh thì lá cũng xanh/ cha mẹ hiền lành để phúc cho con”, hoặc “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” ...
Như thế thói quen trong gia đình rất quan trọng. Bố mẹ làm gương cho các con bắt chước. Bố chăm chỉ đọc sách thì các con cũng học theo, trong nhà có tủ sách gia đình thì cả nhà đều tiến bộ về nâng cao trí tuệ. Bố uống rượu, nhậu nhẹt, say khướt thì con cũng bắt chước thành kẻ nát rượu, đói khổ cả một đời.
Ngạn ngữ cổ của Tây Ban Nha đã cảnh báo về sức mạnh, sức tàn phá của thói quen bằng một câu phương ngôn: “Thói quen ban đầu là mạng nhện, sau là dây cáp”. Thật đáng giật mình về cái sức tàn phá một đời, rồi hai đời của thói quen xấu trong một gia đình. Lúc đầu, ai cũng tặc lưỡi: “Ồ, thói quen uống vài chén rượu một ngày chỉ là mạng nhện thôi mà, gạt tay một cái là đứt hết thôi mà”. Nhưng dần dần cái mạng nhện thói quen ấy trở thành dây cáp thói quen. Trên các thông tin đại chúng vừa mới đưa tin có cán bộ nhận hối lộ đến hàng trăm lần, nay lĩnh án chung thân, tức là thói quen nhận hối lộ đã thành ra ác quỷ để hãm hại con người.
Khi bước vào thế kỷ XXI, qua các thống kê, qua các công trình nghiên cứu khoa học, các nhà triết học đều khuyên con người nên chú trọng đến một thói quen cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ có hại cho phẩm cách và tương lai của một con người, đó là thói quen nói dối. Nhận thức được tác hại của nói dối như là một bệnh dịch nguy hại của xã hội, xin được mạnh dạn giành phần quan trọng của bài viết để khảo sát thói quen nói dối mà đến nay nó được coi là một bệnh nan y như ung thư, như giai đoạn cuối của các bệnh nhiễm trùng.
Điều ít ai ngờ là nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, tức là bệnh nguyên và bệnh sinh của căn bệnh nói dối ấy bắt đầu chỉ là những thói quen không được quan tâm uốn nắn, không được cương quyết dập tắt ngay từ tuổi thanh thiếu niên.
Trước hết phải nhớ kỹ lời dạy của triết gia G.Herbert (1593 – 1633) về sự khó khăn của việc phát hiện ra một người nói dối, ông viết: “Hãy chỉ cho tôi một tên nói dối, tôi sẽ chỉ cho anh một tên ăn trộm”. Lời giáo huấn này của Herbert đã có cách đây gần 400 năm nhưng đến nay vẫn đúng một cách kỳ lạ vì tính uyên bác và thực tế lớn lao của nó.
Khi tìm nguyên nhân gây bệnh, ngành siêu vi trùng, vi trùng, ký sinh trùng, ngành hóa học, vật lý học đã có những xét nghiệm, những biện pháp để tìm ra thủ phạm gây bệnh một cách tương đối chắc chắn, thậm chí chắc chắn đến 100%. Nhưng đối với những kẻ nói dối và những tên ăn trộm thì rất khó phát hiện ra.
Vì sao thế? Vì quá trình nói dối, ăn trộm là một thói quen xấu được lặp đi lặp lại nhiều lần, vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội học. Mang tính sinh học vì nó phải thông qua các giác quan và bộ não của con người mà hình thành các phản xạ có điều kiện. Lúc bé, nói dối những việc nhỏ trong gia đình, ăn cắp vặt, tắt mắt những đồ vật nhỏ trong nhà. Nếu không dập tắt ngay như dập tắt ngọn lửa đang gây cháy nhà thì khi đứa trẻ lớn lên sẽ gây hại cho xã hội, cho cộng đồng bởi nói dối và ăn cắp những thứ lớn hơn.
Mang tính xã hội học là vì con người có thói quen nói dối, ăn cắp sẽ gây ra những tác hại cho cộng đồng, cho xã hội. Điều này đòi hỏi cả hệ thống giáo dục phải vào cuộc, trước hết qua các bài giảng về Giáo dục công dân, về Đạo đức học, Tâm lý học, Triết học ứng dụng.
Tại sao nói dối lại dễ dàng mắc phải như thế? Tại sao nói dối lại mang tính phổ biến ở một số lứa tuổi của đời người? Đó là những câu hỏi khó và chưa có những giải đáp thỏa đáng.
Một triết gia cổ đại đã nêu ra một quy luật như sau: “Thói quen là bản năng thứ hai của con người”. Vậy bản năng thứ nhất là gì? Đó là bản năng sinh học, mang nguồn gốc động vật như: đói ăn, khát uống, thấy lạnh thì mặc ấm, thấy mưa thấy nắng thì tìm cách trú ẩn... Còn bản năng thứ hai, cao cấp hơn, tinh vi hơn, nhờ vào những thói quen, nhờ vào sự nhắc đi nhắc lại hàng ngày mà hình thành.
Trong các bản năng thứ hai thì đẹp đẽ nhất, cao quý nhất là lòng biết ơn, biết đền đáp lại công ơn đối với ông bà, cha mẹ, đồng bào, đồng nghiệp. Từ đó có thói quen thương người, biết cách giúp đỡ người khác khi mình có điều kiện.
Cũng trong việc hình thành bản năng thứ hai thì cái bản năng cực kỳ nguy hiểm đó là nói dối, trộm cắp, bắt nạt người yếu thế... Một trong những cách giáo dục là dạy cho con người biết rõ tác hại và những sự trừng phạt đối với những kẻ có thói quen này.
Triết gia danh tiếng François de Fénelon (1651 – 1715) là nhà Đạo đức học của mọi thời đại đã mạnh mẽ kết án những kẻ nói dối: “Kẻ nào có gan nói dối thì không đáng được xếp vào hàng ngũ con người”. Chao ôi, dưới con mắt của Fénelon những kẻ nói dối đều được xếp vào hạng lưu manh, cặn bã của xã hội vì những tác hại rất cụ thể do chúng gây nên. Bao nhiêu bài học cụ thể và những tác hại xảy ra trong đời sống xã hội hàng ngày làm cho tất cả chúng ta căm ghét thói quen nói dối, bọn người nói dối và những hành động dối trá.
Đại văn hào J.J.Rousseau (1712 – 1778) đã định nghĩa về sự dối trá ở tầm khái quát hơn: “Tất cả những gì phản lại chân lý, làm hại công lý đều được coi là dối trá”. Nhờ tầm nhìn vĩ mô này của Rousseau mà ta hiểu được rằng: Dối trá lúc đầu chỉ là một thói quen của một cá thể. Nếu không được giáo dục, ngăn chặn, uốn nắn kịp thời thì nó sẽ lan ra đến một đám đông, một tập thể, một cộng đồng thì thật là nguy hại vô cùng. Vì thế, phương ngôn: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “phòng cháy hơn chữa cháy” tức là cố giữ cho ngôi nhà đừng cháy là rất quan trọng trong việc chống lại thói quen nói dối ở bất kỳ đối tượng nào.
Tuy nhiên, ở đời cái gì cũng có hai mặt. Triết gia André Soubiran (1910 - ?) đã hết sức thấu tình đạt lý khi để lại cho đời một danh ngôn đầy tính nhân văn: “Khi Thượng đế cho sự dối trá là một tội lỗi thì đồng thời Người cũng đặt ra một ngoại lệ dành cho các thầy thuốc chữa bệnh. Hãy học cách nói dối khéo léo để an ủi nỗi đau đớn và tuyệt vọng của người bệnh”.
Cao quý thay lời nói dối của ông thầy thuốc giúp người bệnh hiểm nghèo đỡ đau đớn, sợ hãi trước lúc phải chia tay với cuộc đời này. Cao quý thay lời nói dối của người cán bộ xã đã không thông báo ngày liệt sĩ đã hy sinh cho bà mẹ già ốm yếu đang khắc khoải chờ đợi con, mà chỉ dám thông báo tin dữ này cho những người thân khác trong gia đình.
Cuối cùng, xin nhắc lại lời của một thầy giáo già ở thế kỷ trước đã dạy bảo: “Đừng bao giờ nói dối, vì nhỡ nó thành thói quen thì sẽ ân hận suốt đời”.