Vốn vay cho người nghèo
Nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Dù vậy, vẫn đòi hỏi những cơ chế chính sách mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Lượng - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Khu vực I.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về nguồn vốn vay tín dụng chính sách thời gian qua?
TS Nguyễn Văn Lượng: Đến hết năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 30.602 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,3%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến hết năm 2022 đạt 283.000 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó tín dụng gắn với nguồn lực sinh kế các hộ nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần tác động tích cực nhằm đẩy lùi, ngăn chặn sự tác động tiêu cực của “tín dụng đen”. Nguồn vốn vay này đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm mạnh từ 17% xuống 7% (giai đoạn 2001-2005); từ 22% xuống 9,45% (giai đoạn 2005-2010); từ 14,2% xuống 4,25% (giai đoạn 2011-2015); từ 9,88% xuống 2,23% (giai đoạn 2016-2021).
Dù vậy, nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi những cơ chế chính sách mới để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo?
- Tôi cho rằng dù đạt được những thành công nhưng nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vẫn thiếu tính ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước và nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong khi lãi suất huy động tiền gửi 2% thường cao hơn các nguồn huy động khác... Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chủ yếu sử dụng cho vay trung dài hạn (dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 99%) với một số chương trình có thời hạn cho vay dài, tối đa đến 25 năm. Trong khi đó, mặc dù cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần các nguồn vốn trung dài hạn và giảm dần các nguồn vốn ngắn hạn nhưng đến nay nguồn vốn có thời hạn dài trên 5 năm vẫn chỉ chiếm 41,8%.
Để đạt hiệu quả cao hơn, cần các giải pháp mang tính bền vững, thưa ông?
- Trong giai đoạn này, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao (4.859 USD/người/năm) vào năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao (12.642 USD/người/năm) vào năm 2045. Trước mắt muốn đạt được thu nhập trung bình cao thì ngoài công việc xóa đói giảm nghèo còn phải phát triển kinh tế để nâng tầm thu nhập lên thì mới có thể đạt mục tiêu thu nhập trung bình cao. Nhưng nếu vẫn chỉ là mục tiêu là xóa đói giảm nghèo thì đến 2030 không thể nào là đất nước có thu nhập trung bình cao. Mà muốn đạt mục tiêu thì việc đầu tư của Ngân hàng chính sách đối với người nghèo là phải thay đổi.
Ví dụ bây giờ ngân hàng chính sách nào cũng chỉ cho vay đến 100 triệu đồng trong khi giá cả lạm phát leo thang thì không hợp lý. Rồi sản xuất mở rộng, anh không vay được tiền để tiền đầu tư thì vẫn chỉ là giải quyết bữa ăn hàng ngày, giải quyết cái nhà, cái cửa thôi. Thế nên cần phải tăng vốn điều lệ rồi phải có chính sách vay đặc biệt cho những đối tượng đặc biệt.
Để phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ nghèo, theo ông còn cần những yếu tố gì?
- Về phía hộ gia đình cần phát huy tinh thần lao động tự tạo việc làm, nâng cao nỗ lực ý chí thoát nghèo thông qua các hoạt động tìm hiểu phương thức sản xuất, lao động và nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp. Cần phát huy yếu tố vốn xã hội trong mỗi gia đình, tăng cường mối quan hệ xã hội làng xóm, tìm hiểu và tăng cường mối quan hệ với các tổ chức xã hội để học tập các buổi tuyên truyền tập huấn khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lao động, chăn nuôi và trồng trọt… góp phần mang lại hiệu quả trong lao động. Điều này thật sự quan trọng vì cảnh nghèo lại thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng lao động, mặc dù có vay được vốn nhưng nếu không biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và lao động thì hiệu quả mang lại không cao, thậm chí cảnh nợ nần thiếu thốn kéo dài và rất khó có khả năng chi trả và khó có thể thoát được cảnh đói nghèo.
Trân trọng cảm ơn ông!