Tìm cách mở thị trường cho doanh nghiệp
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN), tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, giới chuyên gia cho rằng phải làm sao mở ra được các thị trường cho DN.
Sau 3 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại đang chủ động hạ lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay. Đến nay lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,5 điểm % so với cuối năm 2022.
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của DN, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu DN, bất động sản); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của DN và nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Song vì sức cầu yếu nên DN cũng không có nhu cầu vay vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì DN còn khó khăn hơn nữa. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận, việc sản xuất gặp khó khăn không chỉ ở tín dụng mà là do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. DN không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì sẽ không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.
Đại diện Hiệp hội Dệt may đề xuất Nhà nước và ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho DN dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai. Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Còn theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm là do DN hiện nay khá khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số DN phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Cục Đăng ký kinh doanh cho rằng khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì DN mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.
Đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và khơi thông dòng chảy tín dụng, TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) nên cần giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, phải tách bạch, "không được đánh đồng" giữa vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại. “NHNN cần tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường” - ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên, phải làm sao mở ra được các thị trường cho DN, "thị trường tắc, thì không lĩnh vực nào thông được". Hơn nữa, việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp khác thường. Theo ông Thiên, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai…
Nhiều ý kiến cho rằng, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc mở rộng thị trường của DN, Bộ Công thương nên chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh truyền thông và chủ động ứng dụng vào các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến, như vậy mới giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi kết nối giữa các nhà nhập khẩu - nhà phân phối – nhà sản xuất, giúp DN thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Về phía cộng đồng DN, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, các DN phải rất chủ động, bởi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng chỉ là một phần. DN phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và khảo sát thị trường, tìm hiểu đối tác và hợp tác một cách rõ ràng, dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ… để không chỉ đảm bảo sản phẩm phù hợp thị hiếu mà còn tránh những rủi ro trong giao thương quốc tế.