Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn: Phóng sinh là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng
Hiểu theo cách đơn giản thì phóng sinh đơn thuần là một nét đẹp về văn hóa tín ngưỡng. Khi phóng sinh, người thực hiện phải xuất phát từ lòng từ, bi, hỷ, xả của mình.
“Sau đấy lắng nghe buông bỏ những tâm bất thiện sân hận còn dư chấn trong tâm, với ý nghĩa là phóng sinh cho chính tâm mình và để cố gắng giữ lại những tâm trạng tích cực an lành tỉnh thức cho một ngày mới, ban mai mới, hơi thở mới...
Nếu gặp những hoàn cảnh, những chúng sinh bị bắt trói giam cầm… mà động lòng trắc ẩn từ bi để cứu chuộc phóng sinh, như thấy con cá mắc cạn thì trả lại về ao hồ sông suối, chim mắc lưới hay bẫy thì nên thả…”, nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn chia sẻ.
Theo anh, trong Phật giáo, cả Kinh Trung bộ và Đại thừa thì ý nghĩa của phóng sinh là để nuôi dưỡng và phát triển tu tập Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả. Sau này, thành nghi lễ truyền thống trong Phật giáo, chỉ dạy về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá… khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Trong khi tiến hành phóng sinh, các Thầy thường tụng kinh hay thần chú cho sinh vật ấy đồng thời hồi hướng phước đức cho thí chủ phát khởi tâm từ này:
"Phóng sinh là một nét đẹp về văn hóa tín ngưỡng, là những suy nghĩ xuất phát từ tận đáy lòng của mỗi con người khi gặp những con vật sắp nguy hiểm tới tính mạng để có thể kéo dài thời gian sống của sinh vật đó, đây có thể coi là hành động để giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống của các sinh vật.
Bản chất của việc phóng sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi, ban tặng sự sống cho muôn loài, giảm bệnh tật, kéo dài tuổi thọ… Phóng sinh thể hiện tinh thần đẹp, cũng là phong tục truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay, việc phóng sinh khi thiếu hiểu biết, thì ý nghĩa thực sự đó đang dần mất đi, thay vào đó là những mong cầu cá nhân, vụ lợi và cả mê tín…
Khi phóng sinh, người thực hiện phải xuất phát từ lòng từ, bi, hỷ, xả của mình. Đức Phật dạy: “Không làm các điều ác, chỉ làm các điều lành...”.
Từ góc độ Phật giáo, phóng sinh là một việc mà người tu hành cần phải thực hiện để tu thành đạo quả từ bi hoan hỷ với thiện phước của đại chúng. Việc phóng sinh cũng là hành động để chứng minh rằng, chúng ta đang tôn trọng quyền sinh của muôn loài bởi vạn vật đều mang linh tính trong mình, ai ai cũng muốn hướng đến sự tồn tại, cái thiện và tránh xa những điều tà ác”.
Tuy nhiên, theo nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn, không phải tất cả mọi hoạt động phóng sinh đều mang ý nghĩa tích cực khi nó là hành vi gián tiếp hoặc trực tiếp thúc đẩy cái ác từ những kẻ nhân danh phóng sinh vì tiền. Ví dụ, việc ta lên chùa, lên đền thực hiện việc phóng sinh loài sinh vật bị mua đi bán lại, hay nghĩ việc đó giúp họ nâng cao phẩm hạnh, hoặc chỉ để “làm màu, sống ảo”, mà không xuất phát từ lòng từ, bi, hỷ, xả trong mình.
Vì vậy, chúng ta cần tâm niệm: “Tùy duyên, thuận Pháp, đúng người, đúng nơi, đúng đức độ". Không phải hỷ, xả, từ, bi vẻ bên ngoài theo cách tràn lan mà để mưu tính cho mục đích vụ lợi, để việc phóng sinh mang đến đúng ý nghĩa như cái tên và cách hiểu: “Cũng không nên phóng sinh một cách vô ý thức, rồi mang những suy nghĩ không mấy tích cực đi lựa chọn sinh vật để phóng sinh, bởi làm như thế không còn gọi là phóng sinh nữa mà nó chỉ để thỏa mãn sở thích, nhu cầu cá nhân của bản thân mà thôi, đôi khi nó được xem như là những hành vi phi đạo đức, đạo đức giả và những hành vi như thế thật đáng trách, thật đáng để lên án.
Mọi thứ nên đi theo từ cái tâm của mình, để tâm mình được thanh thản, người mình được bình an. Từ bi là vô biên, không nên ích kỷ, không nên vì bản thân mà làm ra những hành động phóng sinh trái với luân thường đạo lý. Chưa kể ảnh hưởng đến môi trường mất cân bằng sinh thái... Có những niềm vui thanh nhã khi mỗi buổi ban mai được nghe tiếng chim hót sau vườn hay bên cửa sổ...”
Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn cho rằng, buông xả những tâm niệm xấu ác sân hận tham đắm trong đời sống hàng ngày đó là ý nghĩa rốt ráo của phóng sinh. Phật giáo rất thực tế khi dạy rằng cần buông bỏ cho bản thân mình trước, sau đó mới đến muôn loài hữu tình, thiên hà vũ trụ: “Từ xưa, việc phóng sinh với một cá nhân là nhân duyên của mỗi người với các loài trong tương sinh nhân duyên của chúng sinh. Để từ bỏ tâm tham đắm sân hận thì cần trưởng dưỡng lòng trắc ẩn mở lòng từ bi thông qua việc phóng sinh. Như trên đường đời, ta có thể gặp những con vật bị nhốt bắt, ta động lòng phóng sinh...
Khi tâm ta bình an hoan hỷ còn là gieo phước báu. Từ nhiều đời nay dân tộc Việt Nam thuần hậu đã duy trì phong tục tiêu chí “làm lành, hướng thiện” của Phật giáo thông qua những tư tưởng như “lòng từ bi, làm việc lành, tránh điều dữ” phù hợp với lối sống cởi mở nhưng gần gũi của dân tộc Việt Nam. Nét đẹp truyền thống này cũng là tinh thần từ bi, cứu khổ vui lành của đạo Phật, sự hiện diện của Phật giáo nơi đâu, thì ở đấy có hòa bình an vui hạnh phúc, đấy cũng là mong ước của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Đạo Phật dạy rằng, phóng sinh đồng nghĩa với nuôi dưỡng tâm từ bi, yêu thương với mọi loài chúng sinh. Nhiều người quá đặt nặng vấn đề hình thức trong phóng sinh, rằng phải mua chim, cá vào chùa, được các sư thầy làm lễ chú nguyện rồi mới mang đi thả.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều con vật sẽ được mua trước đó, bị nhốt qua đêm, thậm chí là nhiều ngày rồi mới được phóng sinh. Việc chờ đợi sẽ khiến các sinh vật kéo dài nỗi khổ, nỗi sợ hãi, bất an vì bị giam cầm. Thậm chí, nhiều người mua về, chưa kịp phóng sinh thì chúng đã mất mạng, vô tình gây ra thêm tội lỗi. Vì thế, Phật tử phải hiểu biết, nhà chùa phải tăng cường giáo dưỡng cho đúng Pháp và chính quyền phải tuyên truyền vào cuộc. Như ở Huế có thông tư cảnh báo rất đáng hoan nghênh, nên phổ cập rộng rãi ra các tỉnh thành...
Phóng sinh xuất phát từ tâm, tùy tâm người làm, nếu tâm không thiện, suy tính điều ác thì phóng sanh theo trào lưu, chạy đua số lượng không hề có ý nghĩa, lợi ích gì. Ngược lại, phóng sinh khi sinh vật cần, khi vô tình bắt gặp, không toan tính điều chi thì dù ít cũng vô cùng trân quý”.