Lửa trong văn
Y Ban là một giọng văn riêng trên văn đàn. Giọng văn ấy không lẫn. Thậm chí, nhiều tác phẩm của chị nếu có che tên tác giả, đọc xong người ta vẫn biết đó là của Y Ban. Khởi đầu với truyện ngắn, ghim nhớ vào người đọc bởi “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, đến nay Y Ban viết cả truyện vừa, tiểu thuyết, và thơ. Nhưng với chị, trong văn chương, thể loại không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là tác phẩm viết ra có người đọc hay không mà thôi.
* Tôi đến với văn chương rất tự nhiên, chứ không phải được học hành cẩn thận. Trước tôi học khoa Sinh, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Vì vậy, nói về những khái niệm văn chương tôi bằng… không (O). Tôi đến với văn chương khi mà không có sự chuẩn bị cho mình. Truyện ngắn là gì, truyện vừa là gì, tiểu thuyết là gì… tôi không thể nói được bằng những khái niệm rành mạch.
* Tôi viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu phẩm và cả thơ nữa. Nhưng tôi nghĩ gọi là cái gì, truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết thì cũng đâu phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là tác phẩm viết ra có người đọc hay không mà thôi. Tôi là “con trâu” nhưng may mà không phải là con trâu trắng. May mà mình viết cũng không đến mức vật vã lắm, không đến mức đau đớn lắm. Có lẽ “giời già” đã thương tình cho con trâu chưa già này “bồ chữ” nên vẫn vãi ra mà không phải kêu lên, phải quằn quại như một số người viết khác.
* Khi viết truyện ngắn thì tôi cố gắng “tiết chế”, các con chữ được “nén” lại; còn khi định đề là truyện vừa hay tiểu thuyết, thì tôi “thả lỏng” hơn, chữ nghĩa cứ “vãi” ra mành mành, giống như người nông dân đi gieo mạ ấy.
Ngay như truyện ngắn “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” khi được in trên báo, nhiều người bảo rằng sao phung phí thế, sao không viết thành tiểu thuyết. Còn sau này, viết “Đàn bà xấu thì không có quà” tôi chủ ý “vãi” chữ thành tiểu thuyết, thì bên nhà xuất bản lại chỉ “cho phép” nó xuất hiện trước bạn đọc là truyện vừa…
* Tôi viết văn bằng bản năng nhưng rồi vẫn thành mảng khối đậm dấu ấn và cá tính của Y Ban. Tuy nhiên, tôi là người rất thích chi tiết, truyện ngắn nào cũng đầy ắp chi tiết nên có nhà phê bình đánh giá, thừa chi tiết quá. Nhiều truyện ngắn có thể viết thành tiểu thuyết. Tiểu thuyết cũng vậy tôi vẫn thừa thãi chi tiết…
* Khi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du tôi được học nhiều thứ lắm, nhưng nói thật, hồi đó tôi chả học được gì cả. Tất cả những kiến thức về lý luận văn học, hay về nền văn hóa này văn hóa khác, tất cả đều trôi tuột đi. Cái còn đọng lại được thì đó chính là những gì liên quan đến folklore, đến văn hóa dân gian của người Việt.
* Tôi sinh ra vào mùa hè năm Tân Sửu (1961) tại Liễu Đề - Nam Định. Đó là một thị trấn, nhưng là thị trấn nghèo những năm 60 của thế kỷ trước. Ngay cạnh nơi gia đình tôi sống, là những ngôi làng ven biển, đẹp nguyên sơ với những cánh đồng. Mà đồng quê thì hấp dẫn kinh khủng – nhất là với những đứa trẻ 5, 6 tuổi như tôi hồi đó.
Những cánh đồng mênh mông, tùy theo mùa mà vàng rực hay xanh mơ màng. Nhà tôi hồi ấy tuy không có trâu, nhưng tôi thường theo đám bạn đi chăn trâu. Tôi thích được ngồi lên lưng trâu nhưng ngồi lên lưng trâu không dễ chút nào, vì cái lưng trâu thì to, lại cứ gồ lên mà tôi thì còn quá nhỏ. Ngồi trên lưng trâu, lắc la lắc lư, cảm giác ấy rất sợ.
* Tôi không chủ ý viết về làng, về vùng đất mình sinh ra, lớn lên và nhiều kỷ niệm. Nhưng một cách tự nhiên, những hình ảnh mộc mạc của làng Việt với ngôi chùa, nhà thờ, gốc đa, cây gạo,… vẫn cứ lẩn khuất đâu đó trong những truyện tôi đã viết: “Con gái mang cuộc đời của mẹ”, “Miếu hoang”, “Chú Ngoẹo”…
* Những gì tôi viết đều có một phần trong những chuyện mà tôi đã gặp. Tôi thuộc tuýp người sống rồi mới viết.
* Tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp. Cứ cho là như vậy đi, thì đã sao nào? Mà cái sự viết chuyên nghiệp ấy là thế nào? Là hàng ngày phải đều đặn ngồi vào bàn viết mấy trang? Là phải sống được bằng ngòi bút của mình? Là phải luôn có đề tài thu hút độc giả?...
Tôi không chuyên nghiệp, nhưng mỗi khi tác phẩm của tôi ra đời được độc giả đón nhận thì tôi cho đó là chuyên nghiệp. Còn tôi không tự ép xác, không tự “hành hạ” mỗi ngày mình phải ngồi vào bàn viết vài trang nhưng tôi luôn sẵn sàng viết khi cảm thấy có cái để viết, để thu hút độc giả, để tự không cảm thấy “ngượng” thì tôi sẽ viết. Một truyện ngắn tôi thường tranh thủ viết trong không quá 2 ngày, cuốn “Xuân Từ Chiều” 250 trang cũng viết tranh thủ trong vòng 2 tháng không hơn. Khi in ra, độc giả, bạn bè góp ý rằng nên “đầu tư” thêm cho nhân vật Chiều, nên cho chồng Chiều xuất hiện, và rằng chị viết tự nhiên chủ nghĩa quá, nếu chú tâm thêm thì hoàn hảo hơn thì tôi vẫn nghe nhưng nếu có tái bản, tôi vẫn không có ý định sửa. Vì sửa, có thể tác phẩm sẽ hoàn hảo hơn, nhưng cũng có thể vì sự hoàn hảo đó nó sẽ giết chết tác phẩm của Y Ban.
Tôi không tự ép xác, không tự “hành hạ” mỗi ngày mình phải ngồi vào bàn viết vài trang nhưng tôi luôn sẵn sàng viết khi cảm thấy có cái để viết, để thu hút độc giả, để tự không cảm thấy “ngượng” thì tôi sẽ viết.
Y BAN
* Chuyên nghiệp theo cách của tôi là tác phẩm của anh viết ra phải là có độ chín ở mức chuyên nghiệp. Bởi theo tôi có người bỏ ra cả đời viết mà có chuyên nghiệp được đâu. Trong khi có người chỉ tay ngang mà rất chuyên nghiệp.
* Văn chương không phải là công việc duy nhất của tôi, vì thế mà mỗi khi viết xong một cuốn sách, tôi cảm thấy đầu óc trống rỗng. Tôi chỉ có thể viết, khi lúc nào mình cảm thấy mình không rỗng tuếch. Cũng có một vài đơn vị xuất bản gợi ý tôi in tập truyện ngắn mới. Dù chỉ cần viết thêm 3 - 4 truyện nữa là thành được tập, nhưng tôi cũng không muốn “ép xác”, cũng không muốn làm “ra vẻ” mình chuyên nghiệp. Bây giờ, ra một cuốn sách cũng vui thêm được dăm bữa nửa tháng. Rồi mọi chuyện lại bị cuốn đi…
* Tôi không biết bên bàn trà, các nhà phê bình văn học của chúng ta bàn gì về sáng tác của tôi. Nhưng tôi không đọc được bài phê bình nghiêm túc nào. Tôi thấy các nhà phê bình hình như “tránh xa” tác phẩm của Y Ban.
* Tôi vẫn sống thao thiết với cuộc đời, sống không đến mức hời hợt, bây giờ chữ nghĩa còn “nhảy” ra, viết ra còn được một vài bạn văn nhận xét là “có lửa trong văn”, nhưng rồi cũng đến một lúc ông trời không cho mình “bồ chữ” để vãi ra, thế thì có muốn cũng chả viết được chữ nào. Có chuyên nghiệp chắc cũng chỉ có thể viết ra những cái làng nhàng.
* Tôi làm việc gì cũng tính toán mọi nhẽ chứ không “phổi bò” như mọi người vẫn nghĩ về tôi.
* Tôi phát hiện ra một điều, ấy là giời đất đã mã hóa sẵn số phận của một nhà văn, giờ này phút này trên thế gian xuất hiện nhà văn này, viết như thế này. Ngày nọ tháng nọ sẽ xuất hiện nhà văn kia, viết như thế kia... Cứ lao động miệt mài với con chữ đi, cứ mơ mộng về các giải thưởng nọ kia đi, cứ mơ mộng về các tác phẩm để đời đi…
Cái trò chơi số phận này rất kinh khủng khi nó đặt vào não người viết một sự tự tin cay đắng: Ta tài ta rất tài. Ta tài và các ngươi phải tìm tòi ra ta, các ngươi phải công nhận ta. "Ta tài" chính là một cái bẫy mà người viết thường giăng ra cho chính mình rồi rơi ùm vào đấy mà quẫy đạp. Cứ quẫy đạp thoải mái đi nhé, giời đất mã hóa sẵn rồi, giờ này ngày ấy tháng nọ vùng đất ấy lãnh thổ ấy dân tộc ấy sẽ xuất hiện người tài.
* Tôi sợ một ngày nào đó mình viết ra những điều làng nhàng, nhảm nhí. Nhưng còn sợ một ngày viết không ra. Tôi vẫn tự nhủ rằng, tôi là con trâu, cày cấy trên cánh đồng và gặt hái những vụ mùa không đến nỗi thất bát. Cuộc sống cũng ổn định với chồng, con đủ đầy. Thế là hạnh phúc. Còn với tôi, văn chương đâu phải là tất cả.
Đã có lúc tôi nghĩ, mình sẵn sàng từ bỏ văn chương. Dù cho đến giờ với văn chương mình vẫn hứng thú, mỗi lần viết vẫn đầy hào hứng và viết ra vẫn được độc giả bạn bè để ý nhưng tôi vẫn sẵn sàng từ bỏ, miễn là đừng có gì “động” vào con mình, gia đình mình. Tôi cầu hai chữ bình yên mà thôi.