Nghệ sĩ cello Trần Hồng Nhung: Dữ dội và sâu lắng

TRẦN THỊ TRƯỜNG 28/09/2023 14:16

Tôi gặp Trần Hồng Nhung lần đầu sau khi cô đoạt giải ba Cuộc thi quốc tế dành cho nghệ sĩ trẻ biểu diễn tại Nga, vừa về nước, đó là năm 2017, Nhung mới hơn 20 tuổi.

Trần Hồng Nhung là cháu ruột NSND Trần Thị Mơ - nghệ sĩ cello nổi tiếng. Nhung sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, sống trong hoàn cảnh khó khăn, tưởng như chỉ gắng gượng đủ sống đi học phổ thông thôi đã khó, mà rồi ghi được tên mình tại cuộc thi quốc tế danh giá…

Tôi đã rất thiện cảm. Lần thứ hai, tôi gặp Nhung trong buổi tập tại nhà riêng của người bạn diễn, cùng một nghệ sĩ dương cầm và một nghệ sĩ violin trẻ người Ba Lan. Sau đó xem họ biểu diễn những tác phẩm kinh điển châu Âu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã thấy một Trần Hồng Nhung khác.

Từ trang phục đến phong cách biểu diễn và tiếng đàn của cô: Sâu lắng và dữ dội nhiều suy tư. Nhung thể hiện là một người rất cá tính trong ăn mặc, cử chỉ, nói năng, nhưng lại không khó gần… Trông cô giống một rocker hơn là một nghệ sĩ cello. Tóc xù xoăn và hay mặc đồ đen rộng thùng thình.

Bản lĩnh từ nhỏ

Nghệ sĩ Cello Trần Hồng Nhung.

Tôi nhớ lại cuộc gặp trước, nhớ những gì Trần Thị Mơ kể về Nhung, cả những giọt nước mắt buồn rầu và ưu tư của Nhung khi nghe đến đoạn cô Mơ kể về tuổi thơ của Nhung: Vắng mẹ từ nhỏ, Nhung lớn lên trong sự bao bọc của bố.

Nhưng bố là một quân nhân giải ngũ nghèo lại mắc trọng bệnh. Thương anh và thương cháu, rồi phát hiện ở cháu có năng khiếu âm nhạc, Trần Thị Mơ đã đưa hai bố con Nhung về Hà Nội từ lúc Nhung 6 tuổi để hướng cháu vào con đường nghệ thuật… Trần Thị Mơ nhờ bố chồng mình là nhạc sĩ Hoàng Dương dạy cháu.

Nhạc sĩ Hoàng Dương không chỉ nổi danh với những sáng tác khí nhạc và ca khúc mà còn là một nhà sư phạm tài ba, đồng thời là một nghệ sĩ cello có tiếng. Ngay từ bé Nhung đã biểu hiện rõ là một đứa trẻ có cá tính và nghị lực.

Buổi đầu tập nhạc, cây đàn cũ của cô Mơ cho còn cao hơn người, nhưng Nhung đã bằng mọi cách chinh phục được. Rồi đến những bản nhạc, những buổi tập và cuộc sống đầy khó khăn của hai bố con trong điều kiện eo hẹp chỉ có đồng lương phục viên của bố. Phải vừa học văn hóa vừa học chuyên môn. Song chỉ một năm được kèm cặp, Nhung đã đỗ vào sơ cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia, rồi lên trung cấp, giành học bổng vào Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky, điều mà không dễ gì với người ở ngay Hà Nội hoặc con nhà nòi…

Song, số phận vẫn liên tiếp đưa thử thách đến với cô gái ấy. Bố mất, ngay khi Nhung vừa sang Nga được 3 tháng. Nhung lại phải quay về bên bố, lúc này Nhung đang chuẩn bị thi tốt nghiệp dự bị tiếng Nga.

Không để nỗi đau nhấn chìm, Nhung đổi vé máy bay, cùng gia đình lo xong việc của bố rồi quay trở lại trường (Trần Thị Mơ đã kịp viết thư xin lùi lịch thi cho cô cháu gái). Trước khi trở lại nước Nga, Nhung chào bố bằng một câu âm thầm trong tâm: “Con sẽ cố gắng phấn đấu, trước hết để trở thành một con người đúng nghĩa bố ạ. Cùng với đó, con sẽ phấn đấu cho sự nghiệp mà bố con mình cùng mong đợi…”.

Quay lại Nga thi tốt nghiệp ngôn ngữ, rồi thi chuyên môn cello vào Nhạc viện Gnhexin và đỗ đầu. Việc chinh phục tiếng Nga cũng nói lên bản lĩnh vượt khó của Nhung. Vừa chinh phục ngôn ngữ thứ hai, sau này cả tiếng Anh, vừa chinh phục những tác phẩm nổi tiếng thế giới, rồi vượt qua cả nỗi nhớ nhà. Một mình, lúc nào cũng chỉ một mình, Nhung đã cho thấy một sự kiên cường không hề nhỏ, hé lộ bản chất của nghệ sĩ lớn.

Còn nhớ câu chuyện của Nhung hồi đó: Khi cô vừa bước chân ra khỏi ký túc xá để đến với cuộc thi thì trời bỗng đổ cơn mưa rất to. Một mình trước mưa, sự cô đơn và căng thẳng suốt 2 năm khiến Nhung ôm mặt khóc. Rồi cô trấn tĩnh lại, tự nhủ, những gì đến với mình từ trước nay chưa bao giờ dễ dàng, phải bước qua thôi. Cô bảo rằng, chính cơn mưa ấy đã đem đến cho cô một cảm xúc mãnh liệt. Cảm xúc theo cô vào phòng thi, ắp lên cây vĩ, và cô đã chơi đàn với tất cả trái tim đang rung lên của mình. Năm thứ nhất, Nhung đã đoạt giải cuộc thi danh tiếng này.

Nhưng con đường chinh phục nghệ thuật còn dài, còn muôn vàn thử thách ở phía trước, đi được và đứng vững trên con đường ấy phải là tự thân. Cô tự nhủ, không có cách nào khác là phải đối đầu với khó khăn, thử thách và giành toàn bộ cuộc đời cho nó. Từng ngày một, cô vượt qua tất cả để rồi tên cô được xướng lên trong nhiều lần biểu diễn ở Dàn nhạc trẻ châu Á và vị trí bè trưởng cello của dàn nhạc sinh viên tại Học viện Âm nhạc Gnhexin danh giá…

Nghệ sĩ Cello Trần Hồng Nhung biểu diễn tại chương trình hòa nhạc Thanh âm xanh (trong khuôn khổ Festival Tre 2022 của dự án Thanh âm xanh).

Lựa chọn sự tự do?

Đó là câu hỏi lựa chọn của rất nhiều tên tuổi lớn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhất là trong nghệ thuật. Mới hơn 20 tuổi Trần Hồng Nhung đã ở bục vinh quang. Nhưng khi học xong, Hồng Nhung cũng không chọn cho mình con đường hoa hồng. Câu hỏi trên xuất hiện trong đầu cô.

Một nghệ sĩ biểu diễn, biểu cảm của hình thể, gương mặt, cử động phải phù hợp với nội dung tác phẩm. Ngôn ngữ biểu cảm của người nghệ sĩ trong dàn nhạc khi biểu diễn một tác phẩm phải thể hiện tương đối như nhau, dịu dàng hay bùng cháy đều phải theo một phong cách quen thuộc của dòng cổ điển, từ xưa đến nay...

Nhưng Trần Hồng Nhung, với cá tính của mình vừa sâu lắng vừa dữ dội, vừa muốn biểu cảm theo cách riêng của mình. Cô rất thích thích trường phái Rock ‘n’ Roll nên ảnh hưởng phong cách đó. Thế là cô lựa chọn sự tự do. Cô không thích dập khuôn những gì đã có cho dù, nếu theo truyền thống cô sẽ có thêm nhiều điểm cộng thuận lợi.

Trần Hồng Nhung sinh năm 1995, tại Thái Nguyên. Tốt nghiệp song bằng ngành biểu diễn và sư phạm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga. Năm 2013, 2014 Trần Hồng Nhung đỗ liên tiếp hai lần trong cuộc thi tuyển thành viên của dàn nhạc trẻ châu Á và là đại diện cello duy nhất người Việt ngồi ghế Concerrt Master. Năm 2017, Nhung đạt giải nhất cuộc thi Concours quốc tế tổ chức tới Suzdal (Nga). Năm 2018, cô được tuyển chọn vào top 100 nghệ sĩ trẻ triển vọng toàn châu Âu và dược biểu diễn tại Liên hoan Viva Cello của 100 nghệ sĩ cello xuất sắc nhất nước Nga.

Lông bông và phóng khoáng đem lại cho nghệ sĩ một khoảng trời thú vị, Nhung đã chọn cách này, mặc dù đó là con đường nhiều rủi ro, nhiều trả giá. Ra trường, cô từ chối lời mời tham gia dàn nhạc giao hưởng lớn, cô chọn về lại Việt Nam.

Tại đây, cô được thỏa mãn đắm chìm trong những kỷ niệm với cha và với những người thầy đầu tiên của mình, với bè bạn. Nhưng khi được giới thiệu vào dạy ở nhạc viện, hay làm thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Trần Hồng Nhung thấy mình chưa sẵn sàng. Với cô, cảm hứng sáng tạo chỉ đến khi cô được hoàn toàn là mình, được biểu hiện theo cách những nghệ sĩ được tự do suy tư nhất.

Cô muốn bố sẽ vui lòng nếu cô lựa chọn đi tới cùng con đường sáng tạo của cô bằng những cảm xúc chan chứa của trái tim… Tự do đồng nghĩa với con đường không bằng phẳng, có những ngày cô thiếu tiền và đói… nhưng cô không chùn bước. Thế rồi cô nhận lời làm việc cho dàn nhạc tư nhân, biểu diễn cho các nhạc sĩ cello tự do một thời gian.

Thế còn bây giờ, khi gặp lại lần thứ ba và biết Nhung đang là thành viên của Dàn nhạc danh tiếng Sun Group Symphony Orchestra (S.G.S.O). Tôi hỏi Nhung: “Với những quy định cũng khá nghiêm ngặt của S.G.S.O thì Trần Hồng Nhung thấy thế nào? Lựa chọn hiện tại có phải là sau khi đã trải qua những thử thách lớn của sự tự do?"

Nhung cười lớn: Người ta rất hay nhầm sự tự do phóng khoáng mà người nghệ sĩ lựa chọn là tự do vô kỷ luật. Với những quy định khá chặt chẽ của S.G.S.O tôi thấy rất tuyệt vời và cần thiết. Tự do tôi muốn đề cập tới là người có tâm hồn tự do, cảm xúc tự do, chứ không hẳn là hành động tự do, sử dụng ngôn ngữ tự do hay không biết đến các quy tắc.

Quy định của S.G.S.O là những quy định cơ bản cần phải có để thực sự nghiêm túc với thứ mà họ muốn tạo nên. Đó là yêu cầu bình thường của một dàn nhạc với những người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nó khá gần với tiêu chuẩn quốc tế... Tôi hòa đồng tự do của mình, được chơi nhạc bằng trái tim mình trong cái nguyên tắc đó khá dễ dàng. Nhưng tôi là người tự do trong cuộc sống riêng, là người thích theo lối nghĩ riêng của mình về cảm xúc diễn đạt.

TRẦN THỊ TRƯỜNG