Nạn đói đe dọa nhân loại

PHAN QUANG VŨ 27/09/2023 05:56

Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi “thổi luồng sinh khí mới” trong việc giải quyết gốc rễ của nạn đói. Theo đó, nạn đói bắt nguồn từ xung đột sẽ càng trầm trọng hơn khi có thêm những tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế. Một khi thiếu nước ngọt và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, mức độ cạnh tranh sẽ gia tăng và tình trạng di dân để tìm nước cũng xảy ra nhiều hơn trong khi xung đột và nạn đói lan rộng.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Gandhinagar (Ấn Độ), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga bày tỏ lo ngại việc thiếu tiến triển thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo có nguy cơ chia rẽ nền kinh tế toàn cầu, gây bất lợi cho những người nghèo trên thế giới.

Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa (Somalia). Ảnh: AFP.

Túi tiền của người nghèo vơi nhanh chóng

"Điều khiến tôi thao thức là sự ngờ vực đang âm thầm chia rẽ khu vực Bắc bán cầu (nơi chủ yếu tập trung những nước phát triển và giàu có) và Nam bán cầu (nơi chủ yếu tập trung các nước đang phát triển, phát triển trung bình và kém phát triển). Sự thất vọng của các nước Nam bán cầu là điều dễ hiểu” - ông Banga nói và nhấn mạnh tình trạng nghèo đói sẽ kéo nhiều thế hệ đi xuống.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), năm 2023 cần phải được xem là thời điểm quyết định đối với an ninh lương thực toàn cầu khi mà giá gạo tăng vọt khiến những người dễ bị tổn thương ở một số quốc gia nghèo nhất gặp rủi ro, nhất là ở châu Phi.

Francis Ndege - chủ một cửa hàng gạo tại Kenya cho biết, ông không chắc liệu khách hàng của mình ở khu ổ chuột lớn nhất châu Phi có đủ tiền để tiếp tục mua gạo hay không. Nhiều năm qua, giá lúa gạo ở Kenya đã tăng vọt vì giá phân bón cao hơn và hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng. Gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ đã lấp đầy khoảng trống, nuôi sống nhiều người trong số hàng trăm nghìn cư dân ở khu ổ chuột Kibera của Nairobi, những người đang chật vật mỗi ngày với chưa đầy 2 USD. Tuy nhiên, “chiếc phao cứu sinh” đó đang dần biến mất. Giá một bao gạo 25kg đã tăng 20% kể từ tháng 6. Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu một số loại gạo đã để lại một khoảng trống lớn trong khoảng 9,5 triệu tấn gạo mà thế giới cần, chiếm khoảng 1/5 nhu cầu xuất khẩu gạo toàn cầu.

Beau Damen - một quan chức của FAO có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan), cho biết an ninh lương thực thế giới đang ở thời điểm quyết định. Không chỉ là việc Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo và các quốc gia đã tăng tốc dự trữ gạo với dự đoán về sự khan hiếm gạo khi hiện tượng El Nino xảy ra dẫn đến mùa màng thất bát.

Amadou Khan, một ông bố 5 con, 52 tuổi, ở Dakar (Senegal), cho biết các con ông đã phải bỏ bữa cơm sáng. “Chúng tôi chỉ đang sống qua ngày. Giá lương thực tăng mạnh kéo theo giá cả các mặt hàng khác càng khiến cho túi tiền của người nghèo vơi đi nhanh chóng. Ban đêm khi ngủ có thể tạm quên đi nỗi lo nhưng cứ mỗi khi trời sáng lại rất sợ khi phải nhìn vào mắt những đứa con bị bỏ đói” - truyền thông dẫn lời người phát ngôn Bộ Nông nghiệp Aicha Ndiaye thuật lại câu chuyện của ông Amadou.

Không chỉ Kenya, Senegal mà các nước ở vùng Sừng châu Phi đều đã và đang vật lộn với việc thiếu lương thực. Kể từ đầu năm tới nay, nắng nóng dữ dội khiến đồng ruộng khô nẻ, các con sông cạn nước, đất đai bị hoang hóa và dần biến thành hoang mạc.

“Sa mạc hóa đang ngày càng trầm trọng. Cây cỏ không lên được do không có mưa. Vì thế những bầy gia súc cũng phải chịu đói, mức độ sinh sản của chúng giảm rõ rệt. Ở Ethiopia và Sudan, người ta đợi mưa từng ngày nhưng thay vào đó bầu trời luôn trong vắt và nắng chói chang. Không còn hy vọng vào vụ mùa cuối năm” - đại diện tổ chức nông nghiệp châu Phi nói với CNN.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết điều kiện khô hạn nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi đã khiến khoảng 2,7 triệu người dân buộc phải di dời khỏi nơi ở. WFP thống kê khoảng 1,7 triệu người rơi vào hoàn cảnh đó tại Somalia, trong khi con số tại Ethiopia và Kenya lần lượt là 516.000 và 466.000 người. “Vùng Sừng châu Phi đã trải qua thời tiết khô hạn tiếp nối những mùa mưa có lượng mưa dưới trung bình kể từ năm 2020, gây tác động tới nông nghiệp, chăn nuôi, thảm thực vật, nguồn nước, kế sinh nhai và hoạt động chăn thả” - báo cáo của WFP cho biết đồng thời ước tính khoảng 23,4 triệu người dân tại vùng Sừng châu Phi hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực và 5,1 triệu trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng do các điều kiện khô hạn kéo dài.

Bà mẹ cho con ăn cháo tại làng Tildanga (Bangladesh), nơi 27% trẻ dưới 5 tuổi bị còi cọc. Ảnh: World Vision.

“Đánh cược vào nồi cơm của nhân loại”

Trái Đất có đủ nguồn tài nguyên cho phép 600 triệu nông dân nuôi sống 8 tỉ người hiện nay trên hành tinh hay không? Theo báo cáo hồi tháng 10/2022 của FAO về tình trạng an ninh thực phẩm và dinh dưỡng toàn cầu (SOFI 2022): Đủ ăn ngày hai bữa đang trở thành một nhu cầu cấp bách đối với 30% dân cư ở châu Phi, hay nói cách khác là đối với 10% nhân loại (800 triệu người).

Giáo sư địa lý Đại học Sorbonne Paris, bà Sylvie Brunel, nói rằng nhiều yếu tố cùng lúc đã đẩy thêm 46 triệu người trên thế giới vào cảnh đói kém chỉ trong mùa hè 2023. “Trước quá nhiều khó khăn, bảo đảm đủ ăn ngày hai bữa không phải là chuyện dễ với nhiều gia đình. An ninh lương thực tại châu Phi càng lúc càng bị đe dọa”.

Tại thời điểm năm 2022, FAO cho rằng có tới 828 triệu người bị đẩy vào cảnh đói kém, con số này tăng thêm hơn 18% so với hồi 2019, tức là trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Dựa trên nhiều dữ liệu, FAO nhấn mạnh “nhìn về tương lai chúng ta không mấy lạc quan, ngay cả trong kịch bản kinh tế thế giới phục hồi thì cũng phải đợi đến năm 2030 số người bị đói kém mới trở lại tương tự như hồi năm 2015”.

Còn theo Giám đốc WFP, ông David Beasley, năm 2023 chứng kiến cuộc khủng hoảng về lương thực nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ hai. Ngay từ tháng 2, hóa đơn nhập khẩu lương thực của thế giới đã tăng 10% so với cùng thời kỳ một năm trước đó. Giá phân bón tăng 48%. Các nước trong khu vực hạ Sahara - châu Phi phải cắt giảm khoảng 10% lương thực nhập khẩu và phải thanh toán hóa đơn đắt hơn đến 5 tỉ USD cho các nhà cung cấp.

Trong khi đó, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng, dự báo tới cuối thế kỷ XXI sẽ ở con số 10 tỉ người. Câu hỏi đặt ra là: Liệu loài người có đông quá hay không trên hành tinh này? và lấy gì để nuôi sống nhân loại?

Laurent Toulemon - nhà dân số học thuộc Viện Nghiên cứu dân số quốc gia Pháp INED nói: “Câu hỏi này không đích đáng lắm. Vấn đề ở đây là liệu rằng Trái Đất có đủ nguồn tài nguyên để nuôi sống 8 hay thậm chí là 10 tỉ người trên hành tinh hay không nếu như chúng ta cứ sống trong những điều kiện như hiện tại? Tức là chúng ta phung phí các nguồn tài nguyên như điện, nước… Theo tôi câu trả lời sẽ là không! Chúng ta biết rõ là trong tương lai dân số trên địa cầu sẽ tăng lên tới 10 tỉ. Điều đó có được là nhờ tỷ lệ tử vong bị đẩy lùi. Nhờ những tiến bộ về y khoa, về khoa học, tuổi thọ của con người tăng lên. Như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ phải tổ chức lại cuộc sống, rà soát lại cách mà chúng ta tiêu thụ các nguồn tài nguyên. Thực sự mà nói nếu như không lãng phí tài nguyên, thì Trái Đất này đủ sức nuôi sống đến 15 tỉ người. Ngược lại, nếu như chúng ta giữ nguyên các thói quen từ cung cách ăn uống, đến mua sắm, từ nhu cầu về điện, nước… thì chắn chắn là không để phục vụ 10 tỉ con người. Nói cách khác, theo tôi câu trả lời nằm trong cách sống của mỗi cá nhân, vào mức độ mà chúng ta tiêu thụ tài nguyên”.

Tương tự, theo tiến sĩ Valentin Brossard - đại diện tổ chức phi chính phủ CCFD chống nghèo đói, thuần túy xét từ khía cạnh sản xuất nông phẩm, thì Trái Đất có đủ khả năng để nuôi sống thêm 2 hay 3 tỉ người so với hiện nay.

“Vấn đề đặt ra là có những nơi dư thừa lương thực, nơi lại không có đủ để bảo đảm mức dinh dưỡng tối thiểu. Chênh lệch đó dẫn tới hiện tượng lãng phí thực phẩm. Có khoảng 25% sản xuất bị lãng phí, 15% được dùng để chế tạo các loại xăng, dầu phục vụ công nghiệp và như vậy là chỉ còn lại có 60% nông phẩm trên thế giới dành để nuôi sống nhân loại” - tiến sĩ Brossard nói.

Còn theo giáo sư Sylvie Brunel (Đại học Sorbonne) thì thách thức nào cũng có thể vượt qua. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi một nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy, dân chúng có khuynh hướng bỏ làng quê lên thành phố sinh sống. Do vậy sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, lương thực và thực phẩm sẽ không tăng trưởng theo tốc độ tăng dân. Nạn đói sẽ vẫn còn đeo bám dai dẳng với khoảng 10% dân số thế giới.

Đáng chú ý khi giáo sư Brunel nói rằng từ 5 năm trở lại đây các công ty đầu cơ hoạt động càng lúc càng mạnh và họ đã làm giàu khi đánh cược vào nồi cơm của nhân loại. Thí dụ như trên thị trường Paris (Pháp), 3 năm trước, 70% các dịch vụ mua bán nông phẩm trong tay giới tiểu thương, các nhà sản suất quy mô nhỏ. Nhưng đến nay các nhà đầu cơ, các quỹ đầu tư tung tiền mua vào đến 80% lượng lúa mì bán ra trên thị trường Paris. Các tổ chức này hoạt động càng mạnh thì giá nông phẩm lại càng bị đẩy lên cao. Điều đó có nghĩa là miếng ăn sẽ đắt đỏ hơn đối với dân Pháp, dân châu Phi hay Nam Mỹ, châu Á.

Từ đó bà Brunel kêu gọi các quốc gia cần một chính sách nông nghiệp hiệu quả hơn. Đó là bảo đảm cho nông gia một mức thu nhập nhất định, bảo vệ các nhà trồng trọt và chăn nuôi trước lòng tham của đại tập đoàn chế biến nông phẩm, trước các nhà môi giới, các quỹ đầu tư ham lợi.

“Đương nhiên nông nghiệp bao giờ cũng lệ thuộc vào thiên nhiên và nguồn nước ngọt. Các vựa ngũ cốc không thể đầy nếu thiếu vắng các biện pháp bảo vệ môi trường, các nỗ lực chống biến đổi khí hậu” - bà Brunel nói thêm và cho rằng biến đổi khí hậu đã ở mức “không thể chịu đựng thêm”.

Vào thế kỷ XXI, mọi người chờ đợi nhiều vào các phát minh, vào những tiến bộ về kỹ thuật để nâng cao năng suất trong các ngành chăn nuôi và trồng trọt, bởi bỏ làng quê lên thành thị kiếm sống là tiến trình không thể đảo ngược. Song nâng cao năng suất đồng nghĩa với việc sử dụng phân bón hóa học nhiều hơn, và nông nghiệp cũng là một lĩnh vực phát khí thải làm hâm nóng trái đất và ô nhiễm môi trường. Vậy làm thế nào dung hòa hai mục tiêu: Nuôi sống 8 tỉ người mà vẫn bảo vệ được môi trường thiên nhiên?

Trẻ em, nạn nhân đáng thương nhất của nạn đói.

Những nạn đói kinh hoàng trong lịch sử

Nhân loại đã trải qua nhiều nạn đói khủng khiếp. Vào năm 1609, nạn đói ở Jametown (Virginia), nơi cư ngụ đầu tiên của người Anh đến Mỹ, bắt nguồn từ một loạt các xung đột giữa người mới đến và người bản địa dẫn đến sự giao thương chấm dứt. Vào năm đó, con tàu từ Anh tới Jamestown chở thức ăn cho người khai hoang gặp bão nên khu định cư mới không có thức ăn trong suốt mùa đông. Hậu quả là chỉ có 60 người trong số 500 người khai hoang còn sống sót.

Trong các năm 1315 -1317, châu Âu đã liên tiếp nổ ra các trận đói kinh hoàng, dẫn tới việc tuổi thọ trung bình của người dân Anh chỉ là 17,33 tuổi. Tại Ireland, nạn đói kéo dài suốt từ năm 1845 cho tới năm 1852. Nguyên nhân là do khoai tây bị phá hủy nghiêm trọng dẫn đến thiếu lương thực. Gần một triệu người chết đói và hơn một triệu người di cư khỏi Ireland. Từ đó Ireland đã tách ra đòi quyền độc lập khỏi Vương quốc Anh.

Lịch sử cũng ghi nhận nạn đói thảm khốc tại Ấn Độ có cái tên rất khủng khiếp: “Nạn đói đầu lâu”, trong khoảng thời gian từ năm 1788 đến năm 1794. Theo Tạp chí Lịch sử Trung cổ, nạn đói được đặt tên như vậy bởi vì nhiều người chết đói không được chôn cất và hộp sọ của họ rải rác trên mặt đất.

Nguyên nhân chính dẫn đến “nạn đói đầu lâu” bởi một loạt các đợt hạn hán xen kẽ và các thời tiết El Nino nghiêm trọng. Đến năm 1792, có tới 600.000 người đã chết trên khắp 167 vùng địa phương ở Ấn Độ. Vào thời điểm nạn đói kết thúc (năm 1794), khoảng 11 triệu người ở Ấn Độ đã chết.

Vẫn theo Tạp chí Lịch sử Trung cổ, đã có ít nhất 12 nạn đói khác nhau trong khoảng thời gian từ năm 1765 đến năm 1858 tại tiểu lục địa Ấn Độ.

Còn tại Iran, các ghi chép cho rằng trong khoảng các năm 1917 đến 1919, nạn đói đã giết chết từ 5 đến 8 triệu người. Một phần do lương thực khan hiếm, nhưng tình hình còn tồi tệ hơn do hạn hán và dịch bệnh lan rộng. Vào thời đỉnh điểm của nạn đói, các tờ báo địa phương cho biết, đã có hàng nghìn người chết mỗi ngày và những xác chết không được chôn lấp nằm đầy trên các đường phố và ngõ hẻm của Tehran.

Nhưng có lẽ đại nạn đói hoành hành ở châu Âu từ năm 1315 đến năm 1317 là khủng khiếp nhất. Theo nhà sử học Lynn Harry Nelson, vào thời điểm đó, những trận mưa lớn làm thối rữa các kho chứa hạt giống và khiến việc trồng trọt trở nên khó khăn hơn. Sản lượng giảm dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan. Mùa trồng trọt tiếp theo cũng giống như vậy, và sau đó tình trạng thiếu lương thực diễn ra khắp nơi. Mọi thứ tồi tệ đến mức mọi người bỏ rơi những đứa trẻ và người già chết đói để gia đình có thể tiếp tục sống. Không ai thực sự chắc chắn có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong đại nạn đói này, nhưng lịch sử ghi lại lúc bấy giờ châu Âu hoang vắng và đượm màu chết chóc.

Điều gì xảy ra khi nhân loại không còn gì để ăn?

Theo ông Alex de Waal (Đại học Tufts ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ) một triệu người chết vì nạn đói mỗi năm trong vòng 100 năm cho đến những năm 1980. Kể từ đó, tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn khoảng 5% con số đó. "Chúng ta không còn nhìn thấy cả cộng đồng chết đói. Sự tăng trưởng của các thị trường toàn cầu, cơ sở hạ tầng tốt hơn và các hệ thống nhân đạo đã gần như làm nạn đói cáo chung. Cho đến một vài năm trước thì tình hình đúng là như vậy. Nhưng năm 2023 này “bóng ma” đói khát đã quay trở lại” - ông Waal nói.

"Rất khó để cho người dân chết đói bởi vì họ vô cùng kiên cường" - Waal nói, và nhấn mạnh đó là một trong những điều mỉa mai của thế giới hiện đại. Nhờ vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và thương mại quốc tế, người ta có thể vận chuyển nông sản vượt đại dương trong vài ngày. Chúng ta có thể tìm thấy những kệ hàng trong siêu thị chất đầy những nông sản từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí từ những nước ngay sát bên quốc gia có nạn đói. Đó là điều thiếu công bằng.

Vậy, điều gì sẽ diễn ra khi nhân loại thiếu ăn? Theo Waal, đó là chiến tranh, giết chóc, đói khát, ly tán và sự thù hận. Cùng đó, bệnh tật bùng phát và lan rộng, số người chết nhiều lên, độ tuổi trung bình của loài người giảm xuống.

“Điều quan trọng là phải làm rõ rằng việc khan hiếm thực phẩm không dẫn đến đói kém và hầu hết những nạn đói không phải là do khan hiếm thực phẩm mà là do không tiếp cận được thực phẩm” - Bradley Elliott (Đại học Westminster), người nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về nạn đói nói và cho rằng những biện pháp của Liên hợp quốc có thể cứu giúp hàng triệu người nghèo đói, nhưng cũng khó có thể tin tưởng rằng sẽ chấm dứt được nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.

Tác phẩm “Chiến thắng của thần chết”, năm 1562, của Pieter Bruegel the Elder, mô tả cảnh chết chóc trong đại dịch “cái chết đen” ở châu Âu.

Theo giáo sư khảo cổ học Michael McCormick (Đại học Harvard), năm tồi tệ nhất mà loài người từng biết là năm 536 sau Công nguyên. Tại sao lại là năm 536? Chắc sẽ có người lập luận rằng tồi tệ nhất phải là năm 1918, năm cuối cùng của Thế chiến thứ nhất khi cúm Tây Ban Nha giết chết 100 triệu người trên khắp thế giới. Hoặc có thể là năm 1349, khi “cái chết đen” quét sạch một nửa dân số châu Âu, với 20 triệu người chết vì bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, McCormick lập luận rằng năm 536 mới chính là năm hội tụ mọi cuộc khủng hoảng. Nó bắt đầu với một vụ phun trào núi lửa vào đầu năm diễn ra ở Iceland, dẫn đến hiện tượng sương mù kéo dài 18 tháng, bao phủ khắp bầu trời châu Âu, Trung Đông và một phần châu Á. Những ngày tối tăm kéo theo thời kỳ lạnh giá, với nhiệt độ mùa hè giảm sâu, những cánh đồng hoang hóa dẫn tới nạn đói. Tiếp đó, nó dẫn tới bệnh dịch hạch, đẩy nhanh sự sụp đổ của Đế chế La Mã.

“Năm 536 là năm tồi tệ nhất khi nó gây ra đói khát, bệnh tật, chiến tranh đã kéo lùi sự phát triển của nhân loại hàng thế kỷ” - giáo sư Michael McCormick nói.

PHAN QUANG VŨ