Triển khai Đề án 06: Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Lan Hương 11/09/2023 09:00

Sau 1,5 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đến ngày 14/8, có hơn 90 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam quản lý đã được xác thực. Hệ thống BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ gần 124 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, bảo hiểm Y tế (BHYT) cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bảo hiểm xã hội Đồng Nai hướng dẫn người dân cài đặt VssID.

Tiện ích nhờ số hóa

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Sau hơn 1 năm triển khai, theo đánh giá của Bộ Công an, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại giá trị kinh tế giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nhờ cắt giảm thủ tục, liên thông các dữ liệu.

Đơn cử như BHXH Việt Nam đến nay người dân đã có thể sử dụng căn cước công dân (CCCD) để khám, chữa bệnh với BHYT. Đã có hơn 4.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD. Việc này giúp nâng cao năng lực quản lý dựa trên dữ liệu, giảm trùng thẻ BHYT, hạn chế gian lận, trục lợi trong đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 14/8/2023, hệ thống đã xác thực được 90.141.567 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu (CSDL) do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 81,3 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 93% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư. Đáng ghi nhận, tính đến ngày 14/8/2023, toàn quốc đã có 12.569 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 98% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với 37.746.383 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã đẩy mạnh thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. “Đến nay đã có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao sớm 3 năm (đến năm 2025, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt)” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo BHXH Việt Nam, ngay khi triển khai Đề án 06, toàn ngành đã coi việc “số hóa” là giải pháp then chốt để giảm thủ tục hành chính đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho người dân khi tham gia chính sách BHXH.

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trên cơ sở nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, ngành BHXH đã tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, bám sát các chỉ đạo, định hướng, mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các nội dung thuộc Đề án 06/CP.

Hiện nay, công tác chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng của Ngành BHXH được triển khai trong từng lĩnh vực với mục tiêu là phục vụ ngày càng tốt hơn các lợi ích của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT. Nhờ đó tính đến hết ngày 8/8/2023, việc đồng bộ thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó tổng số nhân khẩu cần đồng bộ là 2.640.604 người trong đó số người đã đồng bộ là 2.386.712 người (tỷ lệ 90,4%). Đáng chú ý, tính đến hết ngày 8/8/2023, toàn tỉnh đã có 253/262 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 96,56% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh), với 681.626 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Cũng theo ông Thành, việc triển khai Đề án 06 đã tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Việc thực hiện trên không gian số cũng giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin. Lợi ích thấy rõ, vì vậy để triển khai hiệu quả Đề án 06 các bộ, ngành chức năng cần phối hợp để tháo gỡ những khó khăn để việc triển khai Đề án 06 được thông suốt.

“Ngành Công an tiếp tục phối hợp, hỗ trợ với BHXH Đồng Nai trong quá trình tích hợp dịch vụ xác thực chủ hộ và cung cấp thông tin thành viên hộ gia đình cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Luật Cư trú năm 2020 để làm cơ sở tính mức đóng BHYT hộ gia đình, cũng như các dịch vụ công khác có liên quan đến xác thực thông tin hộ gia đình” - ông Thành đề xuất.

Lan Hương