“Vòng thành Đá Trắng”: Di tích thành cổ hiếm hoi còn sót lại ở Nam Bộ
Ngày 11/9, Sở Văn hóa và Tthể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức Hội thảo “Di tích Vòng thành Đá Trắng” tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự hội thảo có lãnh đạo Cục Di sản (Bộ VHTT&DL); Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, sở, ngành và các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ học.
Theo báo cáo của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, từ lâu di tích “Vòng Thành Đá Trắng” đã được nhân dân trong vùng như: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc… biết đến. Năm 2002 di tích lần đầu tiên được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tiến hành khảo sát. Kết quả nghiên cứu xác định đây là dấu vết của một di tích thành cổ đã bị phá hủy. Đến năm 2007, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm khảo cổ học (Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ) tiếp tục tiến hành khảo sát di tích “Vòng Thành Đá Trắng”.
Kết quả khảo sát sơ bộ ban đầu cho thấy, di tích ước tính có tổng diện tích hơn 10 ha, trong đó tường thành hình vuông có mỗi cạnh dài khoảng 200 m bao phủ diện tích gần 4,2 ha có tầm ý nghĩa rất quan trọng. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, cơ quan chức năng đã tiến hành khai quật quy mô di tích Thành Đá Trắng trên tổng diện tích 3.000 m2 đã làm rõ những điểm tiêu biểu trong khu vực trung tâm và hệ thống hào xung quanh của di tích này, cùng thu giữ một lượng khổng lồ các hiện vật qua nhiều thời kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, sự hiện diện của tòa thành với khối lượng di vật phong phú đã tự nó nói lên vị trí quan trọng khu vực Vòng Thành Đá Trắng trong lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, lịch sử khu vực Nam Bộ nói chung.
Sự xuất hiện đột ngột của tòa thành ở một vùng đất mang tính giao thoa mạnh mẽ cùng đặc trưng của khối hiện vật giao thoa quốc tế đậm đặc trong khoảng thế kỷ XV - XVI - XVII minh chứng đây là một thời kỳ lịch sử có nhiều biến động lớn của đất nước và tình hình đó đã tác động sâu sắc đến khu vực này...
Cùng với tòa thành, bộ di vật liên quan đến công cụ lao động như dao, đục, liềm, rìu, thuổng, lưỡi câu, chì lưới phản ánh sự phát triển của nghề nông, nghề đánh cá. Bộ hiện vật gốm sứ có nguồn gốc Bắc Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc cho thấy sự giao thoa văn hóa quốc tế mạnh mẽ trải từ khu vực duyên hải đến khu vực Lâm Đồng (Tây Nguyên) mà điểm nhấn ở vùng duyên hải chính là di tích “Vòng Thành Đá Trắng”.
“Do giá trị lớn của di tích, chúng ta cần có kế hoạch nghiên cứu tiếp tục. Bảo vệ thật tốt bộ di vật đá sưu tập trong đó bảo vệ khẩn cấp bộ di vật chất liệu kim loại”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín nói.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, thống nhất một số nội dung về giá trị khoa học của di tích; ủng hộ việc lập hồ sơ di tích cấp quốc gia, lập kế hoạch tôn tạo; tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường cho tổng thể di tích là các yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với khu di tích này.
Theo Viện Khoa học và xã hội vùng Nam bộ, việc thống nhất các ý kiến trên sẽ là những căn cứ quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xếp hạng di tích, cũng như tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.