Đẩy lùi nạn tảo hôn: Cần sự phối hợp đồng bộ
Hệ lụy từ việc tảo hôn rất lớn, thế nhưng công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ; bên cạnh đó tâm lý không có việc làm hoặc cần thêm lao động trong gia đình cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tảo hôn tăng cao…
Những câu chuyện buồn
Dù chuyện đã qua xong những gì xảy ra với con gái mình đối với anh T. ở Sìn Hồ, Lai Châu vẫn không thể quên. Là chị cả trong gia đình đông con nên khi S. học lớp 8 anh T. đã có ý định gả con đi lấy chồng để vơi bớt nỗi lo sinh kế. Mặc cho S. van xin, vợ can ngăn nhưng anh T. vẫn quyết bắt con đi lấy chồng. Không cam chịu, S. đã chạy trốn trong ngày cưới. Nhưng rất không may, trong khi chạy trốn em lại rơi vào cạm bẫy của những kẻ mua bán người. S. bị bán qua biên giới và sau đó được công an giải cứu…
Dù con gái may mắn được cứu về nhưng những ám ảnh khi bị bán đi vẫn không bao giờ nguôi trong cô con gái nhỏ. Nhìn con lúc nào cũng sống trong ám ảnh, thấp thỏm anh T. mới nhận ra chính việc ép con lấy chồng sớm là nguyên nhân khiến con mình rơi vào cạm bẫy của kẻ buôn người.
“Nhà đông con, cuộc sống lại nghèo tôi nghĩ con gái học nhiều không làm gì, lấy chồng sớm cho ổn định. Cũng vì suy nghĩ này mà tôi đã đẩy con gái tôi vào nguy hiểm. Đây sẽ là bài học đắt giá cho tôi, tôi sẽ không bắt con lấy chồng sớm, bắt con lấy chồng sớm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đẩy con mình vào cuộc sống gia đình quá sớm khi tuổi còn nhỏ”, anh T. giãi bày.
Dù biết M. chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vì muốn có người làm nên bà K. ở Sìn Hồ, Lai Châu vẫn tổ chức lễ kết hôn cho con trai mình với M. Bà bảo, hai nhà chơi thân với nhau, hẹn ước với nhau từ lúc hai đứa mới sinh ra nên giờ thấy tụi nó lớn lên chơi với nhau nên cho về ở với nhau.
“Vì đã có hẹn ước nên lấy trước hay lấy sau thì cũng thế nên giờ con M. cũng lớn rồi nó biết làm việc nhà rồi nên tôi đón nó về làm dâu luôn, khi nào được 18 tuổi thì lúc đấy mới uống rượu”, bà K. nói.
Chính từ quan niệm con gái lấy chồng để khỏi bị ế, con trai lấy vợ để có thêm người làm, để sinh con trai nối dõi tông đường… mà những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi về sống chung với nhau rồi sinh con trong sự ủng hộ của các gia đình và họ hàng. Cũng từ đó nhiều hậu quả đau lòng xảy ra và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới đói nghèo vẫn đeo bám các bản làng triền miên từ năm này qua năm khác.
Công tác truyền thông gặp khó
Câu chuyện trên không riêng ở Lai Châu mà đang là câu chuyện ở nhiều nơi khác trong cả nước. Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng tảo hôn ở lứa tuổi vị thành niên vẫn diễn ra. Công tác tuyên truyền về phòng chống tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân ở đây quan niệm lấy chồng, lấy vợ sớm là tập tục lâu đời và không cần thay đổi. Mặc dù họ biết lấy chồng sớm sẽ khổ nhưng bao đời nay ông bà, cha mẹ lấy chồng, lấy vợ sớm nên họ tiếp tục cho con cái của họ kết hôn sớm.
Việc thay đổi nhận thức cần thời gian, cần nhiều sáng kiến truyền thông và như vậy cần có nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, những cặp tảo hôn thường tự về ở với nhau, không tổ chức đám cưới, khi sinh con thì không đi làm giấy khai sinh cho em bé vì sợ bị phạt hành chính… nên chính quyền rất khó để có thể quản lý, can thiệp, ngăn chặn và xử phạt kịp thời.
Thực tế đã chứng minh rằng, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Những đứa trẻ sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di trưyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là một ví dụ, trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao. Hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn nhân lực.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, sự phát triển thiếu toàn diện. Để đẩy lùi tình trạng này, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ tảo hôn. Cần khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống và ý thức; quản lý chặt chẽ việc đăng ký kết hôn và thực hiện quy định của pháp luật. Khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, giao lưu và học tập để mở rộng tầm nhìn và kết nối với các cộng đồng khác.