Phòng ngừa nguy cơ sỏi tiết niệu, sỏi túi mật
Tại hội nghị về tiết niệu vừa tổ chức tại TPHCM, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra thông tin đáng báo động: Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang nằm trong "vành đai sỏi" của thế giới.
Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, khu vực Đông Nam Á có dân số bị sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, với tỷ lệ 5-19,1%. Riêng Việt Nam ghi nhận có 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%... Bên cạnh đó, ở nước ta, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4.000 ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13.
Thống kê của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cũng cho biết, sỏi tiết niệu chiếm 45-50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam là biểu hiện bệnh trong 0,5-2% dân số. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75-80%.
Đáng lo ngại hơn khi các nghiên cứu cũng chỉ rõ, những người sỏi thận thường ít tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa thận và tiết niệu. Khoảng 15% số bệnh nhân sỏi thận không dùng thuốc theo chỉ định và 41% không tuân theo lời khuyên về dinh dưỡng để ngăn ngừa sỏi tái phát. Hậu quả là sỏi có thể quay trở lại và phát sinh thêm các bệnh khác cho thận.
TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng - Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, hiện nay, sỏi túi mật là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ngày càng có nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc sỏi túi mật. Đặc biệt nguy hiểm khi theo thống kê, có tới 22,6 - 80% bệnh nhân sỏi mật không có triệu chứng, không ít người bệnh nhập viện trong tình trạng xuất hiện các biến chứng khiến khả năng phục hồi chậm, nguy cơ tử vong cao.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân N.T.M. (nữ, 73 tuổi) suy tim, tăng huyết áp, tiền sử mổ u màng não di chứng động kinh, yếu nửa người trái, thay khớp háng trái toàn phần, phát hiện sỏi túi mật cách 3 năm. Bệnh nhân vào viện vì đau bụng vùng hạ sườn phải, đau thắt lưng phải 10 ngày, kèm sốt 38,5 độ C. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm túi mật cấp do sỏi, ứ mủ thận phải do sỏi niệu quản phải/viêm phổi và nhiều bệnh nền.
Do người bệnh có nhiều nguồn nhiễm khuẩn trên nền nhiều bệnh lý phối hợp phức tạp, các bác sĩ quyết định đặt dẫn lưu túi mật ra ngoài dưới hướng dẫn siêu âm và phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản phải… Sau 1 tháng điều trị viêm phổi, bệnh nhân ổn định hơn, được chuyển khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy để phẫu thuật cắt túi mật. Khi mổ, việc phẫu tích gặp rất nhiều khó khăn do túi mật viêm lâu ngày nhưng may mắn vẫn thực hiện được qua nội soi. Bệnh nhân ổn định và ra viện sau mổ 5 ngày, tuy nhiên tổng thời gian nằm viện lên đến gần 2 tháng.
Một trường hợp khác, bệnh nhân N.V.C. (73 tuổi), bị tiểu đường, tăng huyết áp, tai biến mạch não di chứng yếu nửa người trái, phát hiện sỏi túi mật 2 năm không điều trị, đau bụng hạ sườn phải 1 tuần kèm theo sốt 38,5 độ C. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc mật do viêm túi mật hoại tử do sỏi kẹt cổ túi mật, sỏi ống mật chủ, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu não cũ di chứng yếu nửa người trái.
Bệnh nhân được chỉ định mổ mở cấp cứu cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, dẫn lưu đường mật. Sau mổ do tình trạng nhiễm trùng nặng nên thời gian nằm viện kéo dài 2 tuần.
Sỏi túi mật là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam với khoảng 8-10% dân số. Nhiều bệnh nhân khi được phát hiện mắc sỏi túi mật chưa có triệu chứng. Sỏi mật sẽ không hòa tan hoặc biến mất theo thời gian, khi đã hình thành sẽ tồn tại, tiến triển tăng, sau 9-20 năm sẽ có 11,7% đến 23,7% xuất hiện triệu chứng, nguy cơ bị biến chứng lên tới 30,3%. Nếu không phát hiện, điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp hoại tử, tắc mật, viêm tụy cấp... Với những trường hợp điển hình nói trên, do phát hiện và điều trị muộn nên đều phải nằm viện dài ngày với chi phí rất tốn kém, trong khi nếu được điều trị phẫu thuật từ khi chưa có triệu chứng, quá trình điều trị đã có thể đơn giản hơn nhiều và thường chỉ phải nằm viện 2 - 3 ngày.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc phòng ngừa sỏi túi mật, sỏi thận là vô cùng quan trọng, người dân cần thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi cũng như làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi như ăn đủ bữa, nhất là bữa sáng. Nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, không ăn mặn. Thường xuyên vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 - 45 phút mỗi ngày.