Sống mòn bên dự án treo
Hơn 3,2ha “đất vàng” nằm giữa trung tâm TP Ninh Bình được quy hoạch để xây bể bơi phục vụ SEA Games 22 (tổ chức năm 2003) nhưng tới 20 năm sau vẫn chưa thể hoàn thành và rơi vào tình trạng bị bỏ hoang.
Sống trong lòng dự án, 17 hộ dân thuộc khu phố Phúc Tân, phường Tân Thành bị bỏ mặc hơn 20 năm, đi không được, ở cũng chẳng xong.
Lãng phí “đất vàng”
Năm 2001, UBND tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư dự án khu trung tâm thể thao - xây dựng hệ thống bể bơi để phục vụ thi đấu SEA Games 22. Khi kết thúc sự kiện, khu vực này dự kiến sẽ là nơi bồi dưỡng, đào tạo, tập luyện cho các vận động viên bơi lội của tỉnh nhà.
Dự án này khi đó được quy hoạch rộng 3,2ha, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng bằng tiền ngân sách nhà nước do Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Các hạng mục được xây dựng dự kiến sẽ có khu nhà ở cho vận động viên, bãi xe dịch vụ, khu bể bơi. Tuy nhiên, sau khi san lấp mặt bằng, đổ được khoảng hơn 100m2 sàn bê tông thì công trình đột ngột bị dừng thi công, bỏ hoang ròng rã từ năm 2001 đến nay.
Ở trong lòng dự án, 17 hộ dân thuộc khu phố Phúc Tân (phường Tân Thành) sống trong những căn nhà mái ngói phủ đầy rêu phong được xây từ hàng chục năm về trước. Nhìn những bức tường trát qua loa bằng vôi vữa bong từng mảng, phủ đầy trên nền nhà và cột kèo bị mối mục đục thẳng qua thân, ai nấy đều lo sợ những ngôi nhà cấp 4 này có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Nhiều người dân sống ở đây ví von, ở giữa lòng thành phố này, để kiếm nơi nào có cảnh sống giống làng quê thời bao cấp nhất thì chính là nơi này. Một câu nói chất chứa nhiều suy tư khi gần như họ bị bỏ rơi ở chính nơi mình đang sinh sống. Đã thế lại không được xây nhà, không được cơi nới, không được chia đất cho con để làm sổ đỏ…
Được biết, để triển khai dự án, tổng diện tích đất đã phải thu hồi từ các hộ dân là trên 2.253m2.
Bên trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, ông Dương Đức Thuấn than thở: “Tôi ở cùng bố mẹ già trên 70 tuổi trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1990. Vì quá cũ nên mỗi khi trời mưa là nước lại thấm dột khắp nhà. Tuy vậy, do nằm trong vùng quy hoạch, nên chính quyền địa phương không cho phép sửa chữa, cơi nới. Giờ đây, mỗi khi mưa bão là tôi rất lo ngôi nhà bị đổ sập”.
Ông Đinh Hùng Sơn - Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Tân vẫn nhớ như in rằng, từ lúc triển khai dự án năm 2001, nhiều cháu nhỏ vẫn đang là 1 đứa trẻ mà đến nay, sau 22 năm trôi qua, có cháu đã lấy vợ, thậm chí có con. 2 thập niên ròng rã, chỉ có một điều không đổi, đó là vẫn căn nhà đó, vẫn mảnh đất đó và nhiều người vẫn phải cùng sống chung trong khi số người trong gia đình ngày một tăng, sự khó chịu cũng xuất hiện từ đó.
“Xin gì cũng không được, cứ mang đơn lên xã là họ lại bảo đất nằm trong vùng dự án, không thể xử lý được” - ông Hùng nói và cho biết, hiện tại, người dân chỉ muốn nhận được câu trả lời đó là tỉnh có tiếp tục làm dự án nữa hay không để người dân còn ổn định cuộc sống.
Nợ người dân, nợ cả doanh nghiệp
Đến tháng 3/2008, tổng số vốn đã cấp xây dựng khu bể bơi mới chỉ có 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nghiệm thu, giá trị khối lượng hoàn thành của dự án lại lên đến hơn 18 tỷ đồng, được thực hiện tại các hạng mục như đóng cọc móng, xây dựng móng bể bơi và móng khán đài.
Ghi nhận thực tế, phần móng bể bơi hiện đã phủ đầy cỏ dại và rêu phong, đang bị xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo dưỡng. Xung quanh móng, sắt thép bị cắt cụt, hoen rỉ, trơ khung do thời gian dài dãi nắng, dầm mưa. Hàng chục ống cống bể nát nằm lộ rõ trong mọi ngõ ngách ở công trình. Ngoài ra, khu vực xung quanh còn là nơi chứa hàng nghìn khối bê tông, ống cống, rác thải...
Được biết, nguyên nhân khiến dự án "chết yểu" là do tỉnh Ninh Bình không bố trí được nguồn vốn, cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đáng trách nhất là khi không có vốn, các cơ quan chức năng vẫn để nhà thầu thi công, từ đó gây nên hệ lụy như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn trả cho nhà thầu thi công. Đồng thời, đơn vị cũng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc giải phóng dự án sau 22 năm triển khai. Nếu phương án này thực hiện xong, tại khu đất làm dự án, tỉnh Ninh Bình sẽ giao về cho UBND TP Ninh Bình quản lý để có phương án sử dụng hiệu quả, không gây lãng phí. Hiện tại, người dân vẫn đang mong chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh Ninh Bình.