Sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Hiện người học đang mong mỏi các trường đại học (ĐH) sớm công bố phương án tuyển sinh.
Trường ĐH Nha Trang là đơn vị đã sớm đưa ra phương án tuyển sinh cho năm 2025. TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay, nhà trường công bố sớm phương án tuyển sinh từ đó, giúp người học có định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn trong quá trình lựa chọn môn học.
Theo đó, về phương thức tuyển sinh, Trường ĐH Nha Trang vẫn sẽ xét tuyển thẳng/ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy chế tuyển sinh của năm xét tuyển; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia tổ chức. Đặc biệt, trường sẽ xét tổ hợp các môn học ở cấp THPT (điểm học bạ) và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT (nếu Bộ GDĐT có tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại). Định hướng trong việc xác định tổ hợp môn xét tuyển như sau: Sử dụng tổ hợp có từ 3-5 môn xét tuyển; trong đó, các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh là 3 môn bắt buộc phải có trong mỗi tổ hợp xét tuyển. Sử dụng thang điểm 50. Nếu sử dụng tổ hợp 3 môn (định hướng sử dụng tổ hợp gồm môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh) sẽ nhân hệ số 2 đối với môn Toán và Tiếng Anh trên cơ sở phù hợp với ngành đào tạo và đưa về thang điểm 50...
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung và cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Minh cho biết, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, muốn thay đổi cần nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng, có căn cứ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm, sau đó mới đưa ra phương án cụ thể.
Trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT hồi tháng 3, Bộ GDĐT xây dựng về lộ trình thực hiện ở giai đoạn 2025-2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Hình thức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Theo thông lệ hàng năm, trước mỗi kỳ thi, Bộ GDĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để làm cơ sở cho giáo viên và học sinh định hướng ôn tập. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng vậy, trước khi tổ chức thi, Bộ GDĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh chủ động trong quá trình dạy học và ôn thi.
Dự báo của một số chuyên gia nhận định, năm 2025 vẫn có nhiều cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đầu vào hệ ĐH chính quy. Do đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam đề xuất, đề thi kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 cần tăng độ phân hóa hơn so với hiện nay để các trường ĐH có thể dựa vào tuyển sinh. Cùng với đó, khuyến khích các cơ sở đào tạo chuyển hướng sang những phương thức tuyển sinh khác, giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có việc xét kết quả từ các kỳ thi riêng là hoàn toàn phù hợp.