Mong manh an ninh lương thực
Mất an ninh lương thực và khan hiếm nguồn nước đang là mối lo mang tính toàn cầu. Tình trạng này ngày càng gia tăng bất chấp tiến bộ khoa học, năng suất cây trồng ngày càng được nâng lên.
Đó là nhận định của tiến sĩ Majid Rafizadeh - nhà khoa học người Mỹ gốc Iran. Theo ông Rafizadeh, khi nói đến hệ thống lương thực, điều quan trọng cần chỉ ra là mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất lương thực và biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất lương thực toàn cầu tạo ra hơn 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Vậy, tại sao quá trình sản xuất lương thực có thể tạo ra hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính? Theo ông Rafizadeh, điều đó phần lớn đến từ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối, tiêu thụ và thậm chí thải bỏ.
Còn theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), khí thải từ khí nhà kính Flo hóa (một nhóm các hóa chất góp phần gây ra biến đổi khí hậu nếu được thải vào khí quyển) có tác động lớn đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng còn đáng nói hơn là trong khi thế giới đang phải đối mặt với mất an ninh lương thực thì có tới gần 1/3 tổng số thực phẩm toàn cầu bị lãng phí mỗi năm. Lượng thực phẩm lãng phí này có thể nuôi sống gần một nửa dân số thế giới.
Mặt khác, sản xuất lương thực góp phần gây ra biến đổi khí hậu thì ngược lại nó đã tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp, gây nhiều hạn hán hơn và khiến việc sản xuất trở nên khó khăn hơn. Thực tế cho thấy thế giới ngày càng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Hạn hán kéo dài ở một số vùng có tác động tiêu cực đến sản xuất lương thực và vấn đề cung cấp nước, sau đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhưng biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến việc hạn hán kéo dài hơn mà nó còn gây ra lũ lụt thường xuyên và thảm khốc hơn, vì nhiệt độ không khí tăng sẽ dẫn đến tan băng nhiều hơn và mực nước biển dâng cao. Việc gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng, bão và lốc xoáy, đồng thời làm tăng mức độ xói mòn đất.
“Cuộc khủng hoảng do con người gây ra thì cũng chỉ được giải quyết bởi chính con người nếu chúng ta theo đuổi và thực hiện các chính sách xanh nhằm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu; áp dụng các kỹ thuật hiệu quả và bền vững hơn trong sản xuất và phân phối thực phẩm; giảm thiểu hoặc loại bỏ chất thải thực phẩm” - TS Rafizadeh nói.
Tính đến ngày 11/9, trên phạm vi toàn cầu tình trạng thiếu gạo vẫn leo thang cùng với giá cả tăng nhanh. Tại Kenya, hạn hán và giá phân bón neo cao khiến giá lương thực tăng vọt. Điều đó còn rõ ràng hơn với hàng trăm nghìn người dân ở khu ổ chuột Kibera của Nairobi, những người đang sống với chưa đầy 2 USD/ngày. Họ thiếu tiền để mua gạo kể từ tháng 6 tới nay khi giá gạo đã tăng 25%.
Ông Francis Ndege, 51 tuổi, sống ở Nairobi cho biết đã làm nghề bán gạo 30 năm, nhưng chưa năm nào thấy khó khăn như năm nay khi mà người dân buộc phải ăn ít đi vì không đủ tiền mua lương thực như trước. Còn ông Amadou Khan, sống ở Dakar (Seenegal) cho biết, gạo đang dần trở thành loại hàng hóa khan hiếm. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Nông nghiệp Mamadou Aicha Ndiaye cho biết, Senegal thật khó tự cung tự cấp lương thực khi mà chỉ sản xuất đáp ứng được một nửa nhu cầu trong nước.
Châu Á được coi là vựa lúa của thế giới thì mùa hè năm nay phải chịu quá nhiều thiên tai. Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan... đã phải gồng mình trong nắng nóng và lũ lụt, khiến diện tích canh tác cũng như sản lượng lương thực giảm sút. Từ đó tác động mạnh tới tình trạng thiếu gạo, đẩy giá gạo tăng mạnh. Châu Á là nơi 90% lượng lúa trên thế giới được trồng và tiêu thụ, nhưng năm nay sản lượng giảm sút. Cụ thể, với Philippines, ước tính giảm tới 22% sản lượng.
Ashok Gulati - thuộc Hội đồng Nghiên cứu về quan hệ kinh tế quốc tế của Ấn Độ cho biết, nếu tình thế không thay đổi, an ninh lương thực toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục mong manh trong những năm tới.
Nói với truyền thông ngày 11/9, đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình dương cho rằng an ninh lương thực chỉ được bảo đảm khi có được nền nông nghiệp xanh. Và quan trọng hơn là sự công bằng vì trong khi ở nhiều nơi người dân đối diện với cái đói thì hàng năm lại có tới 1/3 tổng lượng lương thực, thực phẩm toàn cầu bị lãng phí ở những nước giàu.
Nói với tờ The Star, ông Wong Choy Sim, chủ một nhà hàng ăn ở Tapah (Malaysia) cho biết không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “đẩy” chi phí tăng thêm sang phía khách hàng. Hầu hết các chủ nhà hàng ăn ở Malaysia muốn tăng giá bán các món cơm vì giá gạo nhập khẩu tăng mạnh. Hiện người tiêu dùng phải trả thêm khoảng 85 xu Malaysia (hơn 4.000 đồng) cho mỗi kg gạo nhập khẩu. Theo chủ nhà hàng Nasi Kandar Arsyad, ông Mohd Arsyad Azarin, chi phí về gạo đã khiến các nguyên liệu khác dùng để chế biến trong bữa ăn tăng theo. “Chúng tôi đã phải gánh phần chi phí phát sinh đó, nhưng liệu chúng tôi sẽ duy trì được bao lâu nữa?” - ông Azarin băn khoăn.