'Điểm mù' rủi ro khí hậu

Bảo Thư 12/09/2023 07:21

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi lần đầu tiên mới diễn ra (từ ngày 4 - 6/9) tại Kenya, nhiều ý kiến cho rằng lục địa này đã phải hứng chịu nhiều nhất từ biến đổi khí hậu khi Trái Đất nóng lên, trong khi họ lại xả thải ít nhất.

Nhiều gia đình bị mất nhà cửa do lũ lụt phải sơ tán tại Beira (Mozambique). Nguồn: AP.

Châu Phi có diện tích lớn hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cộng lại. Tuy nhiên, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trên toàn diện tích Lục địa Đen chỉ có 37 trạm radar để theo dõi thời tiết, mặc dù đây là một công cụ thiết yếu để dự báo rủi ro cùng với dữ liệu vệ tinh và giám sát bề mặt. Trong khi đó, châu Âu có 345, Bắc Mỹ có 291 cơ sở radar.

Nói như ông Asaf Tzachor - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu rủi ro (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh) thì châu Phi đang nằm trong “điểm mù” về rủi ro khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến châu Phi thiệt hại hơn 50 tỷ USD mỗi năm. “Chẳng ích gì khi đầu tư vào các trang trại nhỏ, bởi lẽ lũ lụt sẽ cuốn trôi chúng khi mà không được cung cấp dự báo thời tiết” - ông Tzachor nói.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các quốc gia châu Phi chỉ phải chịu trách nhiệm rất ít vào sự nóng lên toàn cầu nhưng họ lại ở “tuyến đầu” của những cơn bão, hạn hán và lũ lụt. Châu Phi có nguồn năng lượng Mặt Trời, gió và thủy điện dồi dào nhưng lại không thể phát triển năng lượng tái tạo vì họ đang phải đối mặt với nợ công và lãi suất cao.

Một con số rất đánglưu ý: Năm nay Kenya dành khoảng 12 triệu USD cho ngành khí tượng, trong khi đó, tại Mỹ, con số là 1,3 tỷ USD.

Theo báo cáo của WMO, việc thiếu dữ liệu theo dõi thời tiết ở phần lớn châu Phi đã làm phức tạp thêm những nỗ lực liên kết thảm họa thiên nhiên trong biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu khí hậu World Weather Attribution đã chỉ ra rằng số người chết sẽ tỉ lệ nghịch với số tiền đầu tư cho các cơ quan theo dõi thời tiết.

Càng ngày, người ta càng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa của công tác dự báo thời tiết, nhất là trong bối cảnh Trái Đất ấm lên, thiên tai xảy ra dồn dập hơn. Tuy nhiên, dự báo thời tiết vẫn “theo đuôi” thảm họa thiên nhiên. Nhưng không vì thế mà “bỏ rơi” lĩnh vực này. Và quan trọng là, nói như đa số các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi, thì các nước giàu xả thải nhiều nhất vào bầu khí quyển phải thực sự có trách nhiệm “cứu Trái Đất”. Trước mắt họ phải chia sẻ hệ thống quan trắc khí tượng cho các nước đang phát triển, các nước ở vùng phải chịu hậu quả rõ rệt của biến đổi khí hậu. Vì Trái Đất là của chung, không phải chỉ riêng quốc gia nào.

Bảo Thư