Quỹ đất để xây trường
Cho dù năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều địa phương vẫn loay hoay giải bài toán thiếu trường, thiếu phòng học. Đặc biệt là tại TPHCM và Thủ đô Hà Nội, khi mà số học sinh năm học 2023-2024 lần lượt tăng thêm 35.000 và gần 69.000. Quỹ đất dành để xây dựng trường học khan hiếm, sĩ số học sinh mỗi lớp tăng cao, kể cả trường không có sân để tổ chức hoạt động ngoài giờ.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, trước ngày khai giảng 5/9, có 441 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Cho đến cuối năm nay sẽ có thêm 231 phòng học mới. Nếu tính gộp số phòng học mới cho đến cuối năm là 672 phòng, thì so với con số tăng 35.000 học sinh cũng chỉ như “muối bỏ biển”.
Cũng vì thế mà một số quận tại TPHCM đã phải tính cả đến phương án “phòng học động” tương tự như “bệnh viện dã chiến” trong dịch Covid-19 để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong đó quận 12, Gò Vấp, Bình Tân phải bố trí học sinh học tạm tại các phòng trống của trường khác, hoặc 2 lớp học sử dụng chung một phòng nhờ thời khóa biểu sắp xếp linh động giữa các lớp.
Nhưng dẫu thế thì TPHCM vẫn không căng thẳng trường lớp như tại các quận nội thành của Hà Nội. Có nơi, phụ huynh đành chấp nhận phương án bốc thăm rất may rủi để tìm một chỗ học cho con. Còn chuyện phụ huynh có con vào lớp đầu cấp phải xếp hàng “xuyên đêm” trước cổng trường không còn là chuyện lạ vì nó lặp đi lặp lại đã nhiều năm. Chuyện rất không bình thường tiếc thay đã trở nên bình thường, cũng chỉ vì thiếu trường.
Thực tế cho thấy, Hà Nội đang phải loay hoay giữa cùng lúc làm thế nào để đủ trường, lớp học vừa đạt trường chuẩn quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045 có nêu “tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia là 80-85%”.
Trường chuẩn quốc gia có nhiều tiêu chí, nhưng với Hà Nội, rất khó đạt được tiêu chí diện tích đất, để kéo giảm sĩ số học sinh mỗi lớp. Vì, theo trường chuẩn quốc gia mức độ 3 thì mỗi lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 40 học sinh; lớp tiểu học không quá 35 học sinh.
Chính vì thế mà Hà Nội đã đề xuất cho phép tăng 10% số lớp học ở mỗi trường trung học phổ thông. Quy định hiện nay là mỗi trường chỉ có 45 lớp, nay đề xuất tăng lên 50 lớp, vượt 5 lớp/trường. Đồng thời đề xuất cho phép tăng 10% học sinh/lớp. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay ở bậc trung học phổ thông sĩ số học sinh ở mỗi lớp là 45 em, như vậy sẽ tăng lên 50 học sinh/lớp, vượt 5 em. Đáng chú ý hơn, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt vấn đề cho phép được áp dụng tiêu chí “diện tích sử dụng/học sinh”, thay thế cho tiêu chí “diện tích đất/học sinh”; đồng thời, với các quận nội thành, quỹ đất không còn để đáp ứng lượng học sinh tăng rất nhanh nên có thể cho phép nâng tầng đối với các khối nhà xây dựng và cho phép xây dựng tầng hầm tại các trường học nội thành.
Nhìn chung, đó cũng chỉ là những giải pháp trước mắt và tạm thời, giải pháp tình thế. Về lâu về dài vẫn cần phải xây dựng thêm trường học, cả trường công lẫn trường tư. Ở khía cạnh khác, nói như PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội thì Hà Nội, TPHCM, các tỉnh đều có kế hoạch để mở thêm trường, vậy làm sao bảo đảm quy hoạch ấy không bị chậm, không bị lệch.
“Làm sao giữ những thửa đất đã quy hoạch xây trường không bị đẩy sang chỗ khác, phải giữ đất cho trường học không kém gì giữ đất rừng, đất lúa” - ông Nghĩa nói.
Trở lại với Hà Nội. Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội quyết tâm tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 8/4/2022 về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. UBND thành phố cũng đã có Kế hoạch số 139 ngày 6/5/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp thành phố có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỉ đồng, trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường trung học phổ thông, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.
Vấn đề còn lại là thực hiện thế nào. Nếu chậm trễ, hoặc giả có chuyện thay đổi phương án sử dụng đất thì trường học lại... để sau. Rất đáng tiếc!