Thông thường một cây cầu bộ hành sẽ chỉ có 2 lối đi lên hoặc xuống tuy nhiên, nằm trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) một cây cầu bộ hành có tới 3 lối đi lên hoặc xuống nằm ở hai phía đầu của cây cầu và lối thứ 3 nằm ở dải phân giữa đường khiến nhiều người dân tò mò. Anh Bùi Quốc Đạt trú tại Gia Lâm, Hà Nội cho hay, nhiều lần đi qua đây anh Đạt cũng khá tò mò không biết vì sao cây cầu này lại có lối đi xuống kỳ lạ đâm thẳng vào bồn cây như vậy. "Tôi thấy cây cầu này có thiết kế bất hợp lý, dù nhiều lần đi qua đây tôi cũng chưa thấy ai đi lên hoặc xuống tại lối đi kỳ lạ này. Mặt khác, việc xây dựng thêm một lối này sẽ thêm tốn kém hơn trong khi không đem lại được nhiều lợi ích", anh Đạt cho biết. Tương tự, anh Bùi Huy Thể trú tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, khi nhà thiết kế đã xác định có lối đi ở giữa cây cầu thì xung quanh lối đi đấy mình phải thiết kế làm sao cho hài hoà, thuận tiện cho người đi bộ có thể dễ dàng tiếp cận. "Tôi thấy lối đi được thiết kế tại dải phân cách giữa bồn cây như vậy là vô tác dụng, tốn tiền", anh Thể cho hay. TS. Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, việc các cây cầu bộ hành có lối lên xuống đâm thẳng vào bồn cây hoặc dải phân cách là một trong những sản phẩm quy hoạch không đồng bộ dẫn đến gây lãng phí, tốn kém nhưng không đem lại lợi ích. Hình ảnh lối đi lên xuống của cầu bộ hành được coi là "độc nhất vô nhị" tại Thủ đô. Cây, cỏ mọc um tùm ở ngay lối xuống cầu thang của cây cầu bộ hành này. Phải chăng các cơ quan chức năng có liên quan cần nghiên cứu, xem xét việc để cây cầu có lối đi lên, xuống đâm thẳng vào bồn cây; trách nhiệm thuộc về ai?
Lê Khánh