Gỡ vướng cho dòng chảy tín dụng xanh
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thúc đẩy tín dụng xanh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; đồng thời lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD.
Theo thống kê từ NHNN, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Mặc dù các ngân hàng cam kết dành nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh song không dễ giải ngân. Lãnh đạo Agribank cho biết: Tại nhiều địa phương, tìm mô hình nông nghiệp sạch, mô hình sản xuất hàng hóa thì rất dễ, song mô hình “xanh” thì rất khó, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, chứng nhận.
Được biết, hành lang pháp lý vẫn đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận dòng vốn xanh vì chưa có bộ quy định cụ thể thế nào là một dự án xanh và không xanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho rằng, NHNN cần hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hàng năm.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn, như chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường... Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
Vì thế, giới chuyên gia cho rằng các cơ quan liên quan cần sớm rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.