Cháy nổ tại khu dân cư: Nguy cơ cũ, nỗi lo mới

Lê Anh 13/09/2023 06:43

Là đô thị đông dân nhất nước, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều lao động từ các tỉnh đổ về mưu sinh, TP Hồ Chí Minh luôn phải đối phó với hiểm họa cháy nổ tại khu dân cư. Ngay cả trong mùa mưa, thành phố vẫn có nhiều vụ cháy nổ xảy ra, với thiệt hại khó đo đếm được về người và tài sản.

Thời gian qua, nhiều vụ cháy đã xảy ra khắp cả nước gây ra những hậu quả đáng tiếc về người và của. Ảnh: Quang Vinh.

Vụ cháy nghiêm trọng tại một căn hẻm nhỏ trên đường Thống Nhất (phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM) xảy ra vào ngày 11/9, đã khiến 2 trẻ nhỏ tử vong. Càng thương tâm hơn khi hoàn cảnh gia đình nạn nhân là lao động nghèo, cha mẹ do phải mưu sinh từ tờ mờ sáng đi chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) để lấy hàng về bán, đã khóa trái cửa từ bên ngoài để các con ngủ bên trong. Nào ngờ, ngọn lửa bùng lên...

Nguy cơ “bà hỏa” rình rập

Ông Nguyễn Văn Thắng (54 tuổi, hàng xóm của các nạn nhân) cho biết, vào khoảng 3h15 sáng khi mở cửa kinh doanh dù phát hiện căn nhà của vợ chồng anh P.B.P (33 tuổi, quê Bình Phước, thuê bán hải sản) bốc cháy đã cố gắng hô hoán, đồng thời tìm cách phá cửa, nhưng việc chữa cháy ban đầu không hiệu quả. Cũng theo ông Thắng, việc khóa cả hai cửa thoát hiểm của căn nhà đã khiến việc dập lửa tại chỗ gặp khó khăn. Sau khi đám cháy được dập tắt, đồng thời các nạn nhân tử vong được đưa ra, Công an quận Gò Vấp vẫn đang phối hợp với Công an TPHCM phong tỏa hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc.

Điều đáng nói, trước vụ cháy kể trên thì cũng xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng khác, vào lúc 16h22 ngày 23/7/2023, tại nhà dân tại tổ 14 (ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Nạn nhân là em N.Đ.V.P. (10 tuổi) và N.Đ.C.B. (1 tuổi) con ruột vợ chồng anh N.V.P. (37 tuổi, quê Sóc Trăng). Nguyên nhân vụ cháy này cũng do ba mẹ đi làm sớm khóa trái cửa để lại 6 trẻ nhỏ ngủ bên trong (trẻ lớn nhất chỉ 10 tuổi cùng 5 em nhỏ).

Về vụ “chết hụt” do cháy cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Đình Hà (ngụ tại số 468/21 đường TTH02, quận 12) kể: “Khu dân cư chúng tôi là một hẻm nhỏ, khá yên tĩnh, cho đến khi công ty TNHH S.P.Đ hoạt động vừa phát sinh ô nhiễm tiếng ồn, khí thải gây mùi khó chịu, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào do hoạt động ngành in, dễ bén lửa”.

Ngoài căn nhà của gia đình ông Hà nằm đối diện với công ty, nhiều người dân có nhà sát vách với công ty, như gia đình ông Nguyễn Tấn Vũ, Nguyễn Huy Khuông cũng thường xuyên phải chịu tiếng ồn lớn do hoạt động sản xuất của công ty này và cũng luôn phải nơm nớp lo lắng nguy cơ “bà hỏa” ghé thăm. Theo phản ánh của người dân, cơ sở sản xuất ngay giữa lòng khu dân cư này hoạt động ngành tẩy, nhuộm, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt may đan vốn không được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung. Theo ông Hà, khi nhiều người dân phản ánh quá, gần đây cơ quan chức năng của quận 12 mới xử lý dứt điểm bằng quyết định để cơ sở sản xuất này di dời khỏi khu dân cư kể trên.

Hiện trường vụ cháy ngày 11/9 tại phường 10 (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TP.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân

Ngay trước vụ cháy thương tâm tại quận Gò Vấp, Công an TPHCM đã tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại 22 “Tổ liên gia an toàn PCCC” ở các quận/huyện và TP Thủ Đức. Nơi được chọn làm thực tập cấp thành phố là Tổ liên gia tại đường số 7A, KP3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) - Công an TPHCM, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” là một trong những giải pháp rất cụ thể và cho thấy hiệu quả đối với các nguy cơ cháy xảy ra tại khu dân cư. Hiện nay, các địa phương đã đăng ký xây dựng 4.436 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 4.659 “Điểm chữa cháy công cộng”. Sau thời gian khảo sát, đánh giá, tính đến ngày 5/9, thành phố đã lựa chọn, xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động được gần 2.600 “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và gần 2.800 “Điểm chữa cháy công cộng”, để đảm bảo sự chủ động trong công tác PCCC tại cơ sở, nhất là các khu vực dân cư đông đúc với nguy cơ cháy thường trực.

Cũng theo đại diện PC07, từ khi đi vào hoạt động các “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã trực tiếp phát hiện và tổ chức công tác chữa cháy ban đầu đối với 10 vụ cháy trên các địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ gây cháy, nổ, nhất là khả năng tổ chức chữa cháy ban đầu khi có cháy xảy ra. Gần đây nhất là vụ cháy ở quận 5, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã kịp thời dập tắt đám cháy lớn và cứu sống được một nạn nhân. Ngoài mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức cũng đã kiến nghị với Công an thành phố tại nhiều hoạt động chuyên ngành, về việc tổ chức có hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền người dân ở những nơi tiềm ẩn cao nhất nguy cơ cháy nổ trên địa bàn, nhất là xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung công nhân, lao động ngoại tỉnh. Hơn nữa, nhiều khu dân cư có xen cài cơ sở sản xuất cũng được đánh giá là những “mồi lửa” tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn và thiệt hại cho các khu dân cư nằm san sát cạnh nhau ở nhiều địa bàn.

Theo đại diện Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Thủ Đức, để hạn chế các vụ cháy nổ thì mỗi người dân cần được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC và cách sử dụng những phương tiện chữa cháy, cũng như những phương tiện phá dỡ ban đầu khi có sự cố xảy ra thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn có sự giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền (thông qua công an xã/phường, công an cấp quận/huyện, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an cấp tỉnh). Song song đó, mỗi gia đình nên trang bị riêng những phương tiện chữa cháy và phương tiện phá dỡ ban đầu để có thể tự cứu khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Theo PC07, hàng năm có từ 70% vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn TPHCM liên quan tới nguyên nhân chập điện. Trong nhiều vụ cháy, người dân lơ là nguy cơ này hoặc do lựa chọn sử dụng dây điện trôi nổi, kém chất lượng; thiếu kiểm tra, bảo trì hệ thống điện định kỳ kèm theo thói quen dùng điện không an toàn, là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nguy cơ cháy nổ gia tăng.

Sau các vụ cháy xảy ra khi có trẻ nhỏ ở nhà một mình tại quận Gò Vấp và huyện Bình Chánh vừa qua, ngày 12/9 PC07 đã phát đi cảnh báo các bậc cha mẹ không để trẻ em tiếp cận, tự ý sử dụng các thiết bị sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt đề phòng cháy, nổ; tắt các thiết bị điện không cần thiết vào buổi tối.

Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng

Tại đô thị lớn, mật độ dân cư cao, việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) là hết sức cần thiết. Phòng cháy tốt ngay từ khu dân cư, đơn vị, xí nghiệp sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy.

PGS. TS Nguyễn Lê Ninh.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường TPHCM cho biết, ông từng tham gia một số lần giám sát về công tác PCCC ở khu dân cư nên rất đau đáu về vấn đề này.

“Hàng ngày, khi đọc báo, xem truyền hình biết có vụ cháy này, tai nạn do cháy nổ ở chỗ kia, có người tử vong, trong lòng tôi lại gợn lại tâm tư. Theo tôi, ngành PCCC&CNCH TPHCM cần sớm có hệ thống cảnh báo cháy từ xa, điều mà các thành phố lớn ở ngay khu vực Đông Nam Á đã trang bị được rồi. Từ đó, mới có thể đảm bảo hạn chế được về cơ bản các thiệt hại về người và tài sản như hiện nay. Nhất là, càng vào mùa mưa, như chúng ta đã biết là thường xuyên có từ 70% các vụ cháy nổ do nguyên nhân chập điện gây ra hàng năm” - ông Ninh nói.

Anh Đỗ Ngọc Tuấn Khương.

Còn theo anh Đỗ Ngọc Tuấn Khương - Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Thủ Đức (TPHCM), để bảo đảm an toàn PCCC đối với trụ sở làm việc, song song với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn PCCC, các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cùng lúc. Cần ban hành và tổ chức thực hiện quy định an toàn PCCC; niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn. Kế đến, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và tăng cường chỉ đạo tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đưa nội dung PCCC vào chương trình hoạt động để phát động đoàn viên, hội viên tham gia PCCC. Trong đó, phải tổ chức cho các tập thể và cá nhân ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.

Anh Khương cũng cho rằng, để hạn chế các tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ thì không lập bàn thờ, thắp hương, nến thờ cúng tại trụ sở cơ quan. Cá nhân, tổ chức cũng đặc biệt không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, gas; Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, ốp trần, tường, vách ngăn…Song song đó, thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, khắc phục những thiếu sót về PCCC, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC. Ngoài ra, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn khi có những thắc mắc cần giải đáp, ý kiến tư vấn, hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH có thể liên lạc với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH địa phương hoặc qua ứng dụng Help 114.

T.LUÂN

Lê Anh