Mặt trận

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp xúc, lắng nghe tâm tư đồng bào các dân tộc thiểu số

Vũ Mạnh 14/09/2023 10:32

Ngày 14/9, tại Yên Bái, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc bộ năm 2023.

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái; bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dự Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và 64 đại biểu là đồng bào DTTS trong vùng.

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) các tỉnh khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ cơ bản ổn định. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả. Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện.

Chủ trì Hội nghị.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng; vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được giải quyết; nhiều vấn đề tiêu cực xã hội được đây lùi; chất lượng nguồn nhân lực vùng từng bước được cải thiện, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật…

Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào các DTTS các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ cơ bản ổn định, không phát sinh các vụ việc phức tạp. Các địa phương triển khai các hoạt động nắm bắt, dự báo tình hình cơ sở, chủ động ngăn chặn, hòa giải ngay từ cơ sở những vấn đề phát sinh trong nội bộ nhân dân như: xâm canh, xâm cư; tranh chấp bãi chăn thả gia súc, đất đai, nguồn nước; mâu thuẫn dòng họ…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo tình hình đồng bào DTTS các tỉnh trung du, miền núi Bắc bộ trong những tháng đầu năm 2023.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, đời sống của đồng bào vùng DTTS các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá một số loại nông sản không ổn định, có lúc giảm mạnh, khó tiêu thụ, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá phân bón. Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân; cảnh báo nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao. Ở một số địa phương xảy ra mưa dông, lốc, mưa lớn, gió giật mạnh gây thiệt hại về vật chất và người. Thị trường lao động, trong đó nhiều lao động người DTTS thiếu việc làm trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chung chậm lại, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, một số tỉnh biên giới, miền núi vẫn diễn ra các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, nhập cảnh trái phép, trộm cắp tài sản của nhân dân. Tại một số địa phương vẫn diễn ra hoạt động tập trung khiếu kiện đông người chủ yếu liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng…

Nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào DTTS gửi tới Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Về một số nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào DTTTS, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, đồng bào các dân tộc đề nghị, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương cần đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi Bắc Bộ.

Quang cảnh Hội nghị.

Đồng bào các DTTS cũng kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, "văn hóa" ứng xử với rừng của người DTTS; nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đối với việc quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

Các đại biểu dự Hội nghị.

“Các cơ quan chức năng cần thực hiện công tác quản lý tốt hơn nữa để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh... Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ” Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhấn mạnh, đồng bào các DTTS có nguyện vọng và kiến nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ cần có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS; Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; Tập trung khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch "xanh", giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng.

Đồng bào các dân tộc cũng kiến nghị việc cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Không ngừng củng cố lực lượng cốt cán của các đoàn thể, tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; đề cao vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín; Quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS theo Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; chú trọng xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng.

Vũ Mạnh