Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Ngăn chặn tảo hôn ở huyện miền núi A Lưới
Nhiều năm qua việc tuyên truyền, giáo dục để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được Chi cục dân số huyện A Lưới, (tỉnh Thừa Thiên Huế), phối hợp với các địa phương và các tổ chức đoàn thể triển khai, đạt được nhiều thành tựu.
Lọt thỏm giữa những ngôi nhà tươm tất ở thôn Pất Đuh, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, là mái nhà tạm bợ, nơi sinh sống của hai vợ chồng Hồ Thị Ươm, năm nay chưa tròn 17 tuổi với đứa con sơ sinh mới mấy tháng tuổi. Người chồng quen trên mạng xã hội của Ươm năm nay cũng chỉ mới 18 tuổi, là công nhân làm ở tỉnh Bình Dương. Quen nhau 2 năm rồi đi đến hôn nhân. Ươm thay vì đi học cấp 3 đã trở thành người mẹ trẻ với một tương lai đầy trắc trở. Hồ Thị Ươm cho biết, hiện nay chỉ một mình chồng đi làm nhưng công việc không ổn định. Ai kêu làm gì thì làm việc đấy để có tiền nuôi hai mẹ con. Ươm dự định khi nào con cứng cáp hơn sẽ gửi con cho ông bà nội để lên Bình Dương làm việc với chồng.
Theo báo cáo, năm 2022 trên địa bàn huyện A Lưới có 11 vụ tảo hôn, tăng 8 vụ so với năm trước. Tuy không xảy ra trên địa bàn nhưng là những thiếu niên bỏ học sớm, đi làm ăn xa và gặp gỡ qua mạng xã hội. Sau khi có con, họ trở về nhà bố mẹ vì không biết mưu sinh như thế nào. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số; trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, tảo hôn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật; làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con cái.
Ông Trần Viết Văn, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện A Lưới cho biết, thực hiện Đề án của huyện về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua huyện đã triển khai sâu rộng đến cán bộ giáo viên và nhân viên toàn ngành. Trong đó, ngành giáo dục cũng đã chỉ đạo các trường lồng ghép với nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản của thanh niên vào trong từng tiết học để các em nhận thức sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, nhất là lồng ghép trong môn giáo dục công dân, môn ngữ văn… “Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch lồng ghép vào trong các môn học để giúp các em tuyên truyền được thường xuyên hơn. Ngoài ra, phòng Giáo dục huyện cũng tổ chức các hoạt động ngoài giờ để các em có hoạt động trải nghiệm nhiều hơn”, ông Trần Viết Văn chia sẻ.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các hội viên của mình, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới cho biết: Hội đã tích cực tuyên truyền trong các cấp hội để tình trạng hôn nhân cận huyết thống dần được xóa bỏ, tình trạng tảo hôn giảm dần. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân cũng như phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt phối hợp với nhà trường giáo dục con em mình nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của từng gia đình và toàn xã hội.
Thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, lồng ghép, nhận thức của người dân về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện A Lưới đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa bền vững. Vì vậy, nắm rõ tình hình, nhận thức đúng nguyên nhân để bổ sung các giải pháp hữu hiệu phòng, chống tảo hôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.