Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 14/9, tại Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc bộ năm 2023 nhiều tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đã được gửi tới Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Là người đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hồng Quân người uy tín dân tộc Dao thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái bày tỏ, những năm trước đây, nhân dân các dân tộc nói chung và đồng bào Dao nói riêng đời sống vật chất tinh thần của bà con gặp khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Một số bà con còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thiếu cố gắng vươn lên trong cuộc sống, các hủ tục lạc hậu chưa được đẩy lùi.
Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách đúng đắn của Nhà nước, các chương trình dự án có hiệu quả như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xóa nhà dột nát, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đến với người dân và thực sự phù hợp với lòng dân.
“Từ những chương trình dự án của Nhà nước người dân đã được hưởng lợi rất nhiều làm thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người dân từ tư duy đến hành động. Nhân dân đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc, cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang. Bà con đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, thực hiện nếp sống văn minh” ông Đặng Hồng Quân chia sẻ và cho biết từ một làng quê nghèo, hôm nay đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mang đến hội nghị những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, ông Quân kiến nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho đồng bào các DTTS như trường học, cơ sở vật chất đồng bộ cho việc dạy và học. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Trong thực hiện đầu tư các chương trình dự án cần triển khai tập trung, có trọng điểm, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tỉnh lộ để nhân dân giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo tồn giá trị nền văn hóa các dân tộc.” ông Quân kiến nghị.
Tháo gỡ khó khăn cho người nghèo trong tiếp cận nguồn vốn
Nêu thực tế về những khó khăn đối với người dân khi tiếp cận nguồn vốn, bà Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết, chính sách quy định các hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có vốn đối ứng, tùy từng lĩnh vực đối ứng từ 30 đến 50%.
“Đã là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì lấy đâu ra vốn đối ứng. Từ khó khăn này dẫn đến khó khăn cho việc liên kết chuỗi và thu hút với các doanh nghiệp vào đầu tư” Bà Chướng nêu thực tế.
Bà Chướng cũng chia sẻ thêm, đối với các xã đã đạt nông thôn mới nhưng các hộ DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về thẻ Bảo hiểm y tế. Vì không có thẻ nên khi ốm đau người dân không dám đi viện vì không có tiền.
“Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS giảm bớt khó khăn trong khám chữa bệnh đảm bảo sức khỏe cho người dân” bà Chướng chia sẻ nguyện vọng và kiến nghị Nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia cho những xã bản còn lại chưa có điện lưới; đồng thời có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế; quan tâm tạo điều kiện cho con em DTTS học nghề và có việc làm sau khi đào tạo…