Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ

THANH GIANG 15/09/2023 07:37

Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành tại TPHCM. Số người bệnh đặt lịch hẹn khám tại một số bệnh viện tăng lên từng ngày.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ.

Nhiều trẻ nhỏ và người lớn bị đau mắt đỏ

Tại chuyên khoa Mắt của Bệnh viện (BV) Tâm Anh TPHCM, số người bệnh đau mắt đỏ chiếm hơn 50% tổng số bệnh nhân đến khám. Chị P.T.N. (50 tuổi, quận Tân Bình) là công nhân may mặc cho biết, gia đình có 4 người nhưng 3 người bị đau mắt đỏ gồm chị và hai con. Các bé phải nghỉ học 3 ngày, riêng chị nghỉ làm 10 ngày theo chỉ định của công ty. “Người đầu tiên trong gia đình bị đau mắt đỏ là con trai lớn. Chỉ một đêm, bệnh đau mắt đỏ lây qua bé út và sau một ngày thì tới tôi” - chị N. nói và cho biết, có sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ mắt nhưng không thuyên giảm, mắt càng đau và khó chịu hơn. Cảm nhận có rất nhiều hạt cát đang nằm trong mắt, mỗi lần nhắm/mở, di chuyển mắt sẽ thấy khó chịu nhiều hơn.

Còn mẹ bé P.C.T. (8 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết: “Sáng qua tôi đưa con đi học, cô giáo thấy mắt con sưng nhẹ, đỏ, nghi ngờ bị đau mắt đỏ nên cho con nghỉ học. Tối hôm trước, tôi có kiểm tra mắt con nhưng không thấy sao, không ngờ bệnh lây nhanh quá. Giờ tôi phải nghỉ làm để chăm sóc cho tới khi con khỏi bệnh”.

BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng TPHCM cho biết, lượng bệnh nhi bị đau mắt đỏ đến khám tại BV tăng mạnh trong tháng 9. Thống kê, từ ngày 1 đến ngày 11/9, BV ghi nhận 715 bệnh nhân khám đau mắt đỏ. Trong đó, ngày 11/9 ghi nhận 224 trường hợp, ngày 12/9 là 169 trường hợp, ngày 13/9 là 220 trường hợp. Trước đó từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay bệnh viện ghi nhận số ca đau mắt đỏ không nhiều. Đơn cử, tháng 1 có tổng cộng 267 trường hợp, tháng 2 là 225 trường hợp, tháng 7 có 321 trường hợp và tháng 8 là 351 trường hợp. Tuy nhiên, bước sang tháng 9, số bệnh nhi bị đau mắt đỏ tăng cao hẳn.

Trong khi đó, theo BS Nguyễn Thị Diệu Thơ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Mắt TPHCM, thời gian gần đây BV ghi nhận số ca đau mắt đỏ gia tăng. Chẳng hạn, hai ngày gần đây trong khoảng 3.000 bệnh nhân đến khám ở BV này thì có đến 80 - 100 trường hợp có triệu chứng đau mắt đỏ hoặc viêm kết mạc cấp. Liên quan đến bệnh đau mắt đỏ, trong tuần cuối của tháng 8 vừa qua (từ ngày 28/8 đến 31/8), BV Nhi Đồng 2 đã thăm khám 188 trường hợp bệnh viêm kết mạc (còn gọi là bệnh đau mắt đỏ).

Phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc bệnh nặng - nhẹ

Theo Sở Y tế TPHCM, báo cáo nhanh của các BV trên địa bàn thành phố, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ ngày 1/1 cho đến nay là 71.740 lượt. Đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số ca mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. Liên quan đến bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tổng số 63.039 ca bệnh, 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59%. Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43. Trong số trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng.

BS Phạm Huy Vũ Tùng - chuyên khoa Mắt, BV đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, đau mắt đỏ với các triệu chứng đặc trưng như: mắt đỏ, ngứa mắt, cộm như có hạt bụi trong mắt, tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, sưng mắt, đau nhức… Tùy triệu chứng nhẹ hoặc nặng, bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Phần lớn, người bệnh được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và uống kháng sinh, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm sưng viêm. “Người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà từ 7 - 10 ngày. Khi điều trị đau mắt đỏ tại nhà, người bệnh cần chườm lạnh giúp mắt giảm sưng, giảm khó chịu. Không dụi mắt, không đi bơi, bởi việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh” - BS Tùng khuyến cáo.

BS Nguyễn Thị Diệu Thơ cũng cho biết, bệnh đau mắt đỏ phát theo mùa, tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Năm nay số ca tăng cao nhưng chủ yếu là những ca lẻ tẻ. Biểu hiện của bệnh, trước khởi phát 3 - 4 ngày người bện sẽ bị cảm cúm, mệt mỏi, nổi hạch.... Sau đó gây viêm kết mạc một mắt rồi hai mắt. Triệu chứng thường là đỏ mắt, mi mắt sưng, buổi sáng ghèn nhiều không mở mắt được. Đầu tiên sẽ là viêm kết mạc hoặc viêm kết mạc và giác mạc. Có một số trường hợp diễn biến mãn tính kéo dài vài tháng bệnh mới khỏi, còn phần lớn bệnh tự thoái lui từ 7 -1 0 ngày.

BS Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chuyên khoa Mắt BV Nhi Đồng 2 thông tin thêm, bệnh viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Là bệnh dễ lây lan, đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng (sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi, qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh, dụi tay vào mắt...). Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường do virus: khoảng 80% là Adenovirus, ngoài ra còn có thể do virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus…Phương pháp điều trị hiện nay gồm rửa mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9 %, nhỏ thuốc, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sở Y tế TPHCM cho hay, người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được BS chỉ định trong các trường hợp: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ anh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giác mạc.

Các bác sĩ khuyến cáo, người đau mắt đỏ tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm lại.

THANH GIANG